Ngành công nghiệp đường ‘hối lộ’ chuyên gia Harvard để 'làm ngơ' vấn đề

Theo bằng chứng mới nhất vừa được công bố, ngành công nghiệp đường đã mua chuộc các nhà khoa học Harvard.

Daily Mail dẫn tài liệu mới được công bố, ngành công nghiệp đường đã chi số tiền lớn để các nhà khoa học Harvard danh tiếng công bố nghiên cứu nói rằng chất béo – không đường – là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch. Vào thời điểm đó, trong những năm 1960, việc công khai xung đột lợi ích đã không được chỉ ra. Nghĩa là các nhà sản xuất đường có thể cùng làm việc với các nhà nghiên cứu để sửa đổi bản thảo hay bản báo cáo của họ đến khi các ông chủ của ngành công nghiệp đường cảm thấy “thỏa mãn”. Và kết quả này đã được thông báo rộng rãi đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng về dinh dưỡng trong nhiều năm. Tuy nhiên, những phát hiện, được tiết lộ vào ngày 12/9 trên JAMA Internal Medicine, đã gây chấn động giới chuyên môn.

“Tôi cứ tưởng tôi đã biết mọi thứ nhưng sự thật này nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi. Hành vi này quá trắng trợn và con số hối lộ là rất lớn. Gây quỹ nghiên cứu thuộc về vấn đề đạo đức. Hối lộ các nhà nghiên cứu để đưa các thông tin sai lệch là phi đạo đức”, Marion Nestle, thuộc trường đại học New York, người đã viết một bài xã luận dựa trên phát hiện mới này, cho biết.

Kết quả cuộc nghiên cứu bị “bóp méo” được công bố vào năm 1976 trên The New England Journal of Medicine (NEJM). Trong đó, các nhà khoa học chỉ ra chất béo và cholesterol là thủ phạm gây bệnh tim mạch, che đậy các bằng chứng từ những năm 1950 chứng minh đường cũng liên quan đến các bệnh về tim.

Theo báo cáo mới, NEJM phát hiện cuộc nghiên cứu “phi đạo đức” được tài trợ bởi Hiệp hội nghiên cứu đường (SRF), ngày nay gọi là Hiệp hội Mía đường. Mục đích của cuộc nghiên cứu này không được tiết lộ cho đến năm 1984.

Tiến sĩ Mark Hegsted, giáo sư dinh dưỡng của Harvard, đồng giám đốc dự án nghiên cứu bệnh tim mạch đầu tiên của SRF từ năm 1965 đến 1966.

Trong báo cáo mới, Laura A. Schmidt của Đại học California, San Francisco và các đồng nghiệp tố cáo cách Hegsted được ủy quyền bởi SRF để đạt một kết luận vừa ý họ.

Theo tài liệu lưu trữ của Đại học Illinois và thư viện Y Harvard, hiệp hội này đã sắp đặt kết quả cho cuộc nghiên cứu, tài trợ nó và kiểm tra mọi bản thảo nghiên cứu.

Năm 1954, chủ tịch SRF Henry Haas đã phát biểu nêu bật tầm quan trọng của việc giảm lượng chất béo trong chế độ ăn của người Mỹ và kiểm soát lượng calo, như thực phẩm chứa carbonhydrate, thứ mà có thể làm tăng lượng tiêu thụ đường bình quân đầu người lên một phần ba.

Năm 1962, theo một báo cáo dinh dưỡng của Hiệp hội Y khoa Mỹ, chế độ ăn nhiều đường ít béo có thể làm tăng cholesterol.

Hai năm sau đó, phó chủ tịch SRF John Hickson đề xuất, SRF sẽ tham gia vào một chương trình lớn để xóa bỏ những “tư tưởng tiêu cực đối với đường dần dần, các báo cáo dịch tễ học cho rằng, lượng đường trong máu, chứ không phải cholesterol máu hoặc huyết áp cao, là yếu tố dự báo tốt hơn về bệnh xơ vữa động mạch.

Hai ngày sau khi The New York Herald Tribune đăng một bài về đường liên quan đến xơ vữa động mạch trong tháng 7/1965, SRF phê duyệt “Dự án 226”, nghiên cứu về quá trình chuyển hóa cholesterol, do Hegsted đứng đầu và Fredrick Stare, một chuyên gia dinh dưỡng Harvard khác có quan hệ với ngành tài chính.

9 tháng sau, Schmidt và các đồng nghiệp viết, Hegsted giải thích dự án đã bị trì hoãn liên tục vì phải viết lại để bác bỏ bằng chứng chứng minh đường gây bệnh về tim trong thời gian trước đó.

Đến tháng 9/1966, Hickson được yêu cầu bổ sung dự thảo đánh giá tài liệu từ các nhà nghiên cứu Harvard, mặc dù không có bằng chứng trực tiếp chứng minh SRF bình luận hoặc đề nghị chỉnh sửa nghiên cứu.

Đến 2/11, Hickson đã thông qua bản thảo mới nhất. Nghiên cứu gồm hai phần, kết luận thay đổi cần thiết và duy nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch là giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống, được công bố trên NEJM năm sau mà không đề cập đến sự tham gia của SRF. Tạp chí này không thể hiện sự mâu thuẫn về lợi ích cho đến năm 1984.

“Hiệp hội đường trả cho các nhà khoa học Harvard có uy tín để đăng bài đánh giá tập trung vào chất béo bão hòa và cholesterol, là những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch tại thời điểm nghiên cứu. Nghiên cứu này được công bố khi nhiều nghiên cứu khác bắt đầu chứng minh đường là một yếu tố gây bệnh tim”, Schmidt nói.

“Điều đó ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng nghiên cứu. Ví dụ, các nhà nghiên cứu sẽ chỉ tập trung vào việc khuyên người tiêu dùng sử dụng bơ thực vật hơn là bơ”, ông nói thêm. Trong khi đó, bây giờ, các nhà khoa học đã chứng minh bơ thực vật cũng có đầy đủ các chất béo trans, gây ra bệnh tim.

Một lượng đường hay chất béo bão hòa lớn đều có hại cho sức khỏe, Nestle cho biết.

Ngày nay, nhiều ngành công nghiệp vẫn còn tài trợ cho nhiều chuyên gia nghiên cứu khoa học và càng nhiều tạp chí và nhà khoa học quyết định tiết lộ các nhà tài trợ đó, Schmidt cho hay.

“Chúng tôi thừa nhận, SRF nên minh bạch hơn trong các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, khi các nghiên cứu được công bố, thông tin tài chính và các tiêu chuẩn minh bạch thời đó không phải định mức như hiện nay. Hơn thế nữa, nó là một thách thức đối với chúng tôi khi bình luận một sự kiện đã xảy ra cách đây hơn 60 năm và có những bản thảo chúng tôi chưa từng nhìn thấy. SRF luôn tìm cách để hiểu rõ thêm về vai trò của đường với sức khỏe nhưng chúng tôi luôn dựa vào khoa học và thực tế để khẳng định”, đại diện của SRF cho biết.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Cảnh báo

Ái Lê

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nganh-cong-nghiep-duong-hoi-lo-chuyen-gia-harvard-de-lam-ngo-van-de-d45713.html