Ngành công nghiệp hỗ trợ 'chậm lớn'

Chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi... hiện đang là vướng mắc không nhỏ khiến cho ngành này 'chậm lớn'.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

Trong Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV mà Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội mới đây, khi nhắc tới ngành CNHT, Bộ Công Thương nêu rõ, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp được cải thiện.

Tuy nhiên, Bộ này cũng chỉ ra không ít hạn chế cố hữu của ngành CNHT Việt Nam. Điển hình như, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế. Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp; thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu, vốn tự có thấp. Nhiều sản phẩm CNHT Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật...

Về nguyên nhân của những hạn chế này, Bộ Công Thương cho rằng trước hết là bởi chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.

Đáng chú ý, cơ chế về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến doanh nghiệp CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi.

Liên quan tới vấn đề này, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho hay, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành CNHT, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ khá nhiều. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính hầu như khá khó khăn.

"Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự "chiến đấu", bà Bình nhấn mạnh.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương cũng đề cập tới góc độ, Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực khoảng 2 – 3 thế hệ. Việt Nam chưa có “hệ sinh thái công nghiệp” và “xã hội sản xuất” để tạo môi trường thuận lợi cho ngành cơ khí, ô tô phát triển.

Cùng với đó, dung lượng thị trường đối với nhiều ngành cơ khí và ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất. Dư địa can thiệp chính sách để phát triển ngành cơ khí, ô tô (đặc biệt là các yêu cầu về nội địa hóa, sử dụng sản phẩm trong nước) bị thu hẹp do các cam kết quốc tế...

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển ngành CNHT, Bộ Công Thương nêu rõ phương hướng là rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển.

Tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước...

Hiện nay, đối với ngành điện tử: Tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%)…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-cong-nghiep-ho-tro-cham-lon-126268.html