Ngành công nghiệp K-Pop: Không đơn thuần là giải trí

Dưới 'ống kính vạn hoa' thiên biến vạn hóa, ngành công nghiệp K-Pop không chỉ xuất hiện như một phương tiện truyền bá văn hóa Hàn Quốc một cách đẹp đẽ mà còn hiện lên dưới lăng kính kinh tế ngày càng rõ nét và đậm màu.

Những con số biết nói

Ngày 21/4, dữ liệu từ trang web theo dõi việc bán vé Touring Data báo cáo rằng tour lưu diễn vòng quanh thế giới “BORN PINK WORLD TOUR” của nhóm nhạc nữ hàng đầu K-Pop hiện tại – BLACKPINK, đã trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại phương Tây như Spice Girls, TLC và Destiny’s Child.

Theo đó, dù chưa kết thúc, “BORN PINK WORLD TOUR” của BLACKPINK đã bán được khoảng 366.000 vé trong 26 đêm diễn đầu tiên, mang về doanh thu đáng kinh ngạc 78,5 triệu USD. Với hơn 30 buổi biểu diễn còn lại trong tháng 5, bao gồm các buổi biểu diễn tại các địa điểm lớn có sức chứa từ 50.000 - 80.000 chỗ ngồi ở Bắc Mỹ, tổng doanh thu được dự đoán sẽ tăng cao hơn nữa.

Tương tự, nhóm nhạc nam hàng đầu tại Hàn Quốc hiện tại – BTS, cũng đạt được những thành tích “vô tiền khoáng hậu” nhờ những chuyến lưu diễn thế giới. “BTS World Tour: Love Yourself”, là chuyến lưu diễn thế giới thứ 3 của nhóm.

Chuyến lưu diễn bắt đầu vào ngày 25/8/2018 tại Hàn Quốc và kết thúc vào ngày 29/10/2019, bao gồm 62 buổi diễn ở 14 quốc gia. Đây được coi là tour diễn lớn nhất mọi thời đại của ngành công nghiệp K-Pop, với tổng doanh thu lên tới 196,4 triệu USD chỉ từ 42 buổi biểu diễn trong năm 2019.

Đây cũng là chuyến lưu diễn thành công nhất của BTS cho đến nay và là chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất bởi một nghệ sĩ biểu diễn chủ yếu bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh, theo báo cáo của trang tin âm nhạc Billboard.

Trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu nhất về 2 nhóm nhạc hàng đầu làn sóng K-Pop ở thời điểm hiện tại, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ làn sóng âm nhạc và thần tượng bắt nguồn từ Hàn Quốc.

Ngoài BTS và BLACKPINK, nhiều nhóm nhạc K-Pop khác như EXO, TWICE, Seventeen,… cũng kiếm được những khoản tiền khổng lồ thông qua việc phát hành album, quảng bá tại quê nhà hay đi tour vòng quanh thế giới mỗi năm.

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ những thần tượng Hàn Quốc còn được thể hiện qua giá vé World Tour của các nghệ sĩ này. Theo quan niệm thông thường, chỉ những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, thường là các nghệ sĩ Âu – Mỹ có tên tuổi như Beyoncé, Elton John hay Rolling Stones, mới có thể tạo ra những buổi biểu diễn “cháy vé” với giá cao “ngất ngưởng”.

Tuy nhiên, cơn sốt K-Pop đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Do các buổi biểu diễn của các nhóm nhạc thường được mở bán vé trực tuyến trong một thời gian ngắn, mà số lượng người hâm mộ lại quá đông, tình trạng trang web bán vé bị “sập” khiến khán giả không mua được vé và phải mua lại trên chợ “đen” đôi khi đẩy giá 1 tấm vé xem biểu diễn lên tới hàng nghìn USD.

Lợi nhuận khổng lồ cho công ty chủ quản

Sự thành công của các nghệ sĩ tại Hàn Quốc đương nhiên không đơn thuần tới từ sự nỗ lực hay may mắn. Mỗi nghệ sĩ hay nhóm nhạc hầu như đều “dưới trướng” những công ty giải trí – nơi đã thu nhận nghệ sĩ làm thực tập sinh, đào tạo và xây dựng lộ trình bài bản để biến họ thành những chú “gà chiến” tiềm năng cho ngành công nghiệp. Do đó, khi sự thành công tìm tới các thần tượng cũng là lúc các công ty chủ quản “ngồi mát ăn bát vàng”.

Ví dụ, tại Hàn Quốc hiện nay, có 4 “ông lớn” trong ngành giải trí: YG Entertainment chủ quản của các nhóm nhạc BIGBANG, BLACKPINK, Treasure, Akdong Musicians…; JYP Entertainment sở hữu các nhóm nhạc như TWICE, 2PM, Stray Kids…; SM Entertaiment - công ty với các thần tượng hàng đầu qua các thời kỳ như TVXQ, Super Junior, SNSD, EXO…; HYPE - công ty chủ quản của nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS.

Sau quãng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành tại Hàn Quốc khiến các hoạt động giải trí trong nước bị tổn thất nặng nề, đến quý III/2022, các công ty giải trí đã chứng kiến doanh thu bùng nổ khi các biện pháp hạn chế bệnh dịch được gỡ bỏ và các buổi biểu diễn, lịch trình hoạt động của các thần tượng được nối lại.

Theo đó, JYP Entertainment đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 35,8%, đạt 22,5 tỷ won (17 triệu USD) trong quý III/2022. Doanh thu tăng 66,2% lên 95,1 tỷ won trong quý nhờ các nghệ sĩ tích cực phát hành album và tổ chức các buổi biểu diễn. Doanh thu từ các buổi biểu diễn của các nhóm nhạc trong công ty lên tới 7 tỷ won.

YG Entertainment đã báo cáo rằng lợi nhuận ròng của công ty đã tăng 2,633% trong quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,4 tỷ won. Doanh thu trong quý là 114,7 tỷ won, cao hơn 33,4% so với năm trước. Trong tổng số, 19,4% là từ album và 18,3% là từ các nội dung kỹ thuật số.

Trong cùng kỳ, lợi nhuận ròng của SM Entertainment tăng vọt 129,5% đạt 29,3 tỷ won (22,1 triệu USD), doanh thu đạt 238,1 tỷ won, tương đương mức tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021; riêng doanh thu từ các buổi hòa nhạc tăng 1.315,3% lên 10,9 tỷ won trong quý III/2022.

Doanh thu album và âm nhạc cũng tăng 14,5% so với cùng kỳ lên 72 tỷ won. Đến quý I/2023, theo báo cáo hoạt động mới nhất của công ty, lợi nhuận ròng giảm xuống còn 23 tỷ won (17,3 triệu USD), nhưng doanh số bán hàng tăng 20% lên 203,9 tỷ won, doanh thu từ các buổi biểu diễn tăng vọt gần 156%.

Với HYBE, công ty đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 91% so với cùng kỳ trong quý III/2022. Lợi nhuận ròng của công ty đạt 94,9 tỷ won, vượt qua mức dự báo 47,2 tỷ won.

Còn theo báo cáo kinh doanh quý I/2023 mới được phát hành, lợi nhuận ròng của công ty đã tăng 62,21% lên 49,8 tỷ won (37,2 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh số bán album mạnh mẽ của các nghệ sĩ như thành viên Jimin của BTS, Tomorrow X Together và nhóm nhạc nữ NewJeans. Doanh thu tăng 44,07% lên 410,6 tỷ won, lợi nhuận hoạt động là 52,5 tỷ won, tăng 41,51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ câu chuyện “giải trí” tới lợi ích “kinh tế”

Không chỉ giúp các công ty giải trí kiếm được những khoản lợi nhuận “ngất ngưởng”, sự thành công của ngành công nghiệp K-Pop còn đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp K-Pop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho đất nước mỗi năm.

Năm 2004, làn sóng K-Pop, mở rộng ra hơn nữa là làn sóng Hallyu, đóng góp 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, tức xấp xỉ 1,87 tỷ USD.

Nhưng tới năm 2021, sự phổ biến toàn cầu của K-Pop giúp Hàn Quốc kiếm được khoảng 12,45 tỷ USD. Thị trường sự kiện K-Pop được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 20 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,3% từ năm 2023 đến năm 2031.

Ngoài ra, việc làn sóng văn hóa K-Pop trở thành một hiện tượng toàn cầu cũng dẫn đến sự quan tâm rộng rãi hơn đến Hàn Quốc, từ du lịch, học tiếng Hàn cho đến mức độ quan tâm đến thời trang và ẩm thực Hàn Quốc, gián tiếp kích cầu kinh tế cho nước này. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cũng quan tâm chú trọng tới việc quảng bá làn sóng K-Pop hơn nữa để tạo thêm thu nhập cho nền kinh tế.

Rõ ràng, khoảng hơn 1 thập kỷ trước, người ta còn cho rằng ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc là một làn sóng “vô bổ”, chỉ có tầm ảnh hưởng tới giới trẻ và đương nhiên không có đóng góp gì đáng kể cho kinh tế quốc gia.

Nhưng giờ đây, khi nhìn nhận lại toàn bộ quá trình phát triển của làn sóng này, không ai có thể phủ nhận rằng K-Pop đang đem lại cho Hàn Quốc nhiều lợi ích hơn so với nhiệm vụ ban đầu là truyền bá văn hóa.

Đây có lẽ cũng là một mô hình đáng học hỏi, một bài học về những lợi ích không tưởng nếu một ngành công nghiệp được đầu tư bài bản, chỉn chu và có tầm nhìn xa.

Linh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nganh-cong-nghiep-k-pop-khong-don-thuan-la-giai-tri-20180504224284788.htm