Ngành công thương kiên định 'mục tiêu kép'

Bộ Công thương đã thể hiện quyết tâm thực hiện kiên định 'mục tiêu kép': vừa chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV), vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, không đặt ra việc điều chỉnh. Chiến lược này sẽ được quán triệt từ lãnh đạo bộ đến tất cả các đơn vị thuộc bộ, thường xuyên rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Người dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng, hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu cho nông dân Gia Lai.

Người dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng, hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu cho nông dân Gia Lai.

Bộ Công thương đã thể hiện quyết tâm thực hiện kiên định “mục tiêu kép”: vừa chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV), vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, không đặt ra việc điều chỉnh. Chiến lược này sẽ được quán triệt từ lãnh đạo bộ đến tất cả các đơn vị thuộc bộ, thường xuyên rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, vật tư

Trong nửa tháng qua, các đơn vị ngành công thương ban hành nhiều công văn hỏa tốc nhằm bám sát thực tế, phối hợp các bộ, ngành liên quan bảo đảm nguồn cung hàng hóa bình ổn thị trường, sản phẩm vật tư phòng chống dịch bệnh, với các mặt hàng trọng điểm; đồng thời kết nối, giải tỏa xuất nhập khẩu, phát huy vai trò của hệ thống thương mại nội địa nhằm khắc phục tác động của dịch. Lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng “xung trận”, phối hợp xử lý gần 3.000 vụ việc liên quan những hành vi trục lợi như găm hàng, nâng giá bán giữa cao điểm dịch với tinh thần hết sức quyết liệt.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng thường xuyên liên hệ cùng kênh cung ứng của Bộ Y tế và làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và bảo đảm nguồn cung mặt hàng này. Đồng thời, phối hợp các sàn thương mại điện tử lớn xử lý hành vi trục lợi như tăng giá bán hàng trên mạng, nhất là mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn,... Kết quả, hàng trăm nhà bán hàng đã bị các sàn điện tử như Lazada, Shopee,… xử lý. Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước đã bám sát các cửa khẩu, cùng địa phương giải tỏa hàng, nghiên cứu đề xuất quy trình để khơi thông hàng hóa và vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đã đề xuất quy trình cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu với việc tổ chức riêng đội hình lái xe, bốc vác, sinh hoạt mang tính cách ly tại chỗ và vẫn bảo đảm giao nhận hàng kịp thời. Quy trình này đang được các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nghiên cứu và đưa vào thực hiện. Các đơn vị chức năng đã sớm nhận ra việc cần thiết phải tìm thị trường thay thế, kết quả bước đầu khả quan với những tín hiệu rất tích cực từ các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a.

Ngoài khơi thông xuất khẩu, Vụ Thị trường trong nước trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa để ổn định thị trường trong nước. Nỗ lực này đã được các hệ thống bán hàng lớn trong cả nước hưởng ứng với nhiều chiến dịch bán hàng không lợi nhuận. Những công cụ pháp lý để quản lý thị trường trong bối cảnh đặc biệt như dịch nCoV những ngày vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu và được các đơn vị chức năng nghiên cứu, rà soát, nhanh chóng khắc phục để hoàn thiện. Bộ Công thương là một trong những bộ đầu tiên có nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của dịch đối với lĩnh vực ngành chỉ trong năm ngày sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ.

Tìm kiếm thị trường thay thế

Câu chuyện đa dạng hóa thị trường nhằm tránh sự phụ thuộc với hệ quả là rủi ro từ một vài thị trường vốn đã “nóng” lâu nay, khi dịch nCoV bùng phát lại càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đại diện Vụ Thị trường trong nước nhận định, dịch bệnh là cơ hội cho thấy nếu làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, sản xuất bảo đảm quy chuẩn, việc chuyển đổi thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản sẽ dễ dàng và rút ngắn được thời gian thâm nhập thị trường. Trong bối cảnh giao thương qua đường bộ có thể gặp nhiều trở ngại, cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính thức qua đường biển, do vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp hạn chế chi phí. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các thị trường nước ta đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngay trong tháng 2 và những tháng sau, nhiều đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN sẽ tìm hiểu thực tiễn để triển khai kết nối các sản phẩm của Việt Nam. Thời gian tới, các lãnh đạo Bộ Công thương cũng trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác đi khai mở thị trường có nhiều dư địa cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Cần chú trọng đẩy mạnh khai mở thị trường, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam trên nền tảng công nghệ số, xúc tiến thương mại điện tử.

Nhiều chuyên gia nhận định, Bộ Công thương là ngành chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, kể cả các tác động trực tiếp cũng như gián tiếp. Vì thế, Bộ Công thương đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo ứng phó dịch nCoV, do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo, có hướng dẫn cụ thể và kịp thời chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ trong phòng, chống dịch bệnh và ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống dịch một cách toàn diện và có trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, bao gồm cả các hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh đến ngành công thương. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục bảo đảm cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ găm hàng, tăng giá trục lợi; phối hợp các bộ, ngành liên quan yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để có căn cứ xử lý vi phạm theo đúng quy định. Mùa vụ hoa quả nhãn, vải thiều,… sắp tới, các địa phương cần thống kê, tính toán sản lượng chính xác để sớm làm việc với đối tác Trung Quốc, có biện pháp đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thông quan. Các cơ quan liên quan cần rà soát kinh phí dư ra từ việc hoãn, hủy các hoạt động xúc tiến thương mại do dịch nCoV, có phương án chuyển đổi sang các thị trường chưa bị ảnh hưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đặc biệt quan tâm các kịch bản để định lượng, đánh giá thấu đáo tình hình, chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc sớm nghiên cứu, có dự báo đánh giá chuyên môn ở các mức độ khác nhau để chủ động đề xuất phương án, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong dịch bệnh và thời kỳ hậu dịch bệnh. Đồng thời, chủ động bàn thảo luận với ngành nông nghiệp, kế hoạch và đầu tư, tài chính có chính sách ưu tiên, giúp doanh nghiệp và người dân chiếm lĩnh lại các chuỗi cung ứng khi dịch bệnh lắng xuống. Ngay từ bây giờ, phải tính toán đến việc chuẩn bị sẵn nguồn hàng để khi dịch bệnh lắng xuống, các thị trường “hút” hàng trở lại là lập tức có thể đáp ứng, không để lúng túng, bị động.

Bài và ảnh: TRƯƠNG THU HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43231102-nganh-cong-thuong-kien-dinh-%E2%80%9Cmuc-tieu-kep%E2%80%9D.html