Ngành Công Thương Quảng Bình - Hành trình 30 năm đổi mới và hội nhập

Năm 2019, tỉnh Quảng Bình vừa tròn 30 năm ngày tái lập tỉnh (1989-2019) và 44 năm ngày giải phóng đất nước. Mảnh đất bên dòng sông Nhật Lệ đã có nhiều đổi thay từ những đau thương mất mát nhưng cũng đầy kiên cường, bất khuất. Và ngành Công Thương Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển sản xuất, thương mại trên địa bàn.

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 9/1975, Trung ương quyết định sát nhập Quảng Bình với Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên, lấy TP. Huế làm tỉnh lỵ. Cho đến tháng 7/1989, trước yêu cầu thực tế, Quảng Bình được chính thức tái lập. Cũng giống như nhiều địa phương khác, gần 15 năm, Quảng Bình bắt tay khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Ngành Công Thương Quảng Bình vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng

Ngành Công Thương Quảng Bình vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng

Theo các dữ liệu của ngành Công Thương Quảng Bình, thời điểm tái lập, nền công nghiệp Quảng Bình có quy mô nhỏ bé, chỉ hơn 10 nhà máy, xí nghiệp (Cơ khí 3/2, Xí nghiệp Đất đèn, Xi măng Áng Sơn…) với công nghệ lạc hậu, yếu về năng lực sản xuất và tài chính, nhiều xí nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và hộ cá thể với các ngành nghề chế biến nông lâm thủy sản, may mặc… Giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 271 tỷ đồng.

Thế nhưng chỉ sau 30 năm, nhờ bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, cùng với việc tận dụng các tiềm năng thế mạnh về tài nguyên, lao động, ngành Công Thương Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại... cả về quy mô và chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế xã hội của địa phương. Nhiều nhà máy công nghiệp đã được đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại như: Xi măng Sông Gianh, Xi măng Văn Hóa, gạch ceramic, Bia Hà Nội Quảng Bình, sản xuất phân bón, may xuất khẩu… Tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, du nhập thêm nhiều ngành nghề như mây tre đan, nón lá, mộc mỹ nghệ... giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn. Quảng Bình đã hình thành 2 khu kinh tế (KKT) đó là KKT cửa khẩu Cha Lo và Hòn La, 8 khu công nghiệp thu hút nhiều nhà máy có công nghệ mới, thiết bị hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất.

Chợ Đồng Hới - Trung tâm thương mại, mua sắm lớn của tỉnh Quảng Bình

Sản xuất công nghiệp, thương mại liên tục tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng gấp 46 lần so với năm 1990, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1990-2019 bình quân tăng 14,1%; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng gấp 223 lần, bình quân tăng 20,5%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt 12.350 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 1990 - 2019 tăng 14,1%.

Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, qua đó, đã có thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, tổng công ty có năng lực trong và ngoài nước như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Vingruop, Sài gòn Co.op, Tập đoàn Ayala Philippines, SCG Thái Lan… đã đến nghiên cứu, đầu tư các dự án phát triển công nghiệp và thương mại. Đơn cử như Trung tâm điện lực Quảng Trạch công suất 2.400MW, các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời 400-500MW, điện gió của B&T 352MW, điện gió Hà Đô 50MW, điện gió Tân Hoàn Cầu 300MW, sinh khối 30-50MW), chế biến gỗ MDF 300-500 ngàn m3, may xuất khẩu 30-50 triệu sản phẩm… hứa hẹn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách trong những năm tới.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được tăng liên tục qua các năm, đến năm 2019 đạt 25.920 tỷ đồng, tăng bình quân 20,5%/năm. Quy mô, số lượng doanh nghiệp, lực lượng lao động và hạ tầng thương mại cũng đã được đầu tư tăng lên đáng kể. Năm 1990 toàn tỉnh có 4.087 cơ sở, đến năm 2019 là 57.228 cơ sở, tăng 14 lần so với năm 1990.

Hạ tầng thương mại đã được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh và tiện ích phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có những bước tiến mới, tổng kim ngạch XNK năm 1990 chỉ đạt 11 triệu USD, đến năm 2019 lên 300 triệu USD, tăng 27,2 lần. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, với gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều chủng loại sản phẩm: clinker, may xuất khẩu, phân vi sinh, dăm gỗ, gỗ MDF, tinh bột sắn, titan, cao su, nhựa thông...

Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp khi đến giải quyết công việc. Lực lượng quản lý thị trường đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với những cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần ổn định thị trường, giá cả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dệt may có quy mô cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất, thu hút lao động tại Quảng Bình

Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - cho biết, trong những năm tới, ngành Công Thương Quảng Bình sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông, lâm sản; chế biến thủy sản; dệt may; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; trong đó lựa chọn, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thiết bị tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường.

“Đây là các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Phan Văn Thường nhấn mạnh.

Mục tiêu phấn đấu ngành Công thương Quảng Bình đến năm 2030 là: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 51.000 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2021-2030 tăng 14,2%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 90.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.000 triệu USD.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng nội lực và sự quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Công Thương, tin rằng, Quảng Bình sẽ tiếp tục phát triển đi lên và bền vững trong một tương lai không xa.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-quang-binh-hanh-trinh-30-nam-doi-moi-va-hoi-nhap-118720.html