Ngành Công Thương tích cực, chủ động triển khai Chiến lược Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030

Phát biểu tại hội thảo 'Định hướng phát triển bền vững (PTBV) ngành Công Thương', tổ chức sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng - khẳng định: Với công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch để triển khai Chiến lược PTBV và Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV như hiện nay về cơ bản cho thấy được sự quan tâm, chủ động tích cực của ngành Công Thương.

Ngày 12/4/2013, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, với mục tiêu tổng quát “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Chiến lược được thực hiện với 3 định hướng lớn về Phát triển kinh tế, Phát triển xã hội và Bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia và truyền thông

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia và truyền thông

Để tích cực tham gia vào Chương trình nghị sự 2030 do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tháng 9/2015, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV với mục tiêu tổng quát mở rộng hơn. Kế hoạch hành động đưa ra 17 mục tiêu chung về PTBV và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, trong đó Bộ Công Thương được giao thực hiện 7 mục tiêu chung và 15 mục tiêu cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, để thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo PTBV và Văn phòng PTBV của Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ được giao; đồng thời ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29/12/2017 để thực hiện. Trong đó, 15 mục tiêu về PTBV của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ thực hiện.

Các nhiệm vụ chủ yếu Bộ Công Thương thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu PTBV, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PTBV ngành Công Thương; thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội...; tăng cường năng lực cho các địa phương, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện, lồng ghép, giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV và sản xuất tiêu dùng bền vững; nghiên cứu, triển khai thí điểm các giải pháp thực hiện PTBV, sản xuất tiêu dùng bền vững; giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV…

Trong giai đoạn 2021 – 2030, sẽ tiển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV và sản xuất tiêu dùng bền vững ngành Công Thương đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới; thúc đẩy triển khai ứng dụng, nhân rộng các giải pháp thực hiện PTBV, sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2017 – 2020; đến năm 2025, thực hiện đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2021 - 2030 kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV; đến năm 2030 sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu PTBV cho thời kỳ tiếp theo…

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, với công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch để triển khai Chiến lược PTBV và Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV như hiện nay về cơ bản cho thấy được sự quan tâm, chủ động tích cực của ngành Công Thương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kế hoạch, các đơn vị còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn, do nhận thức, hiểu biết tường tận về nội hàm của PTBV trong các lĩnh vực ngành Công Thương cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hành động cụ thể của từng ngành, lĩnh vực có đóng góp như thế nào đến tiến trình PTBV của ngành, lĩnh vực, quốc gia vẫn đang là các câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đang tồn tại, chia sẻ tại hội thảo, bà Võ Băng Nga – Vụ Khoa học, giáo dục tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ một số giải pháp thực hiện như: Cần tăng cường, huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công khai minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong phân bổ nguồn lực…

TS. Đinh Văn Châu – Vụ Tiết kiệm năng lượng và PTBV, Bộ Công Thương cho rằng, PTBV lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột chính: Xã hội, môi trường, phát triển kinh tế. Để 3 trụ cột này phát triển hài hòa và hiệu quả cần tối ưu hóa cơ cấu sản xuất; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả mọi nguồn lực; bảo tồn tài nguyên, cải thiện môi trường; phân bổ lợi ích hài hòa, công bằng…

Bên cạnh đó, nhiều tham luận tại hội thảo cũng đề cập đến vấn đề kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tái chế/nâng cấp, cộng sinh công nghiệp; chính sách để xanh hóa thiết kế sản phẩm, tăng độ bền sản phẩm, khả năng sửa chữa, tái sử dụng và tái sản xuất…

Thanh Tâm - Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-tich-cuc-chu-dong-trien-khai-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-va-chuong-trinh-nghi-su-2030-124475.html