Ngành Công Thương Việt Nam- Mãnh liệt một niềm tin!

Cách nay tròn 70 năm, chỉ sau Đại hội lần thứ II của Đảng có 3 tháng, Bộ Công Thương của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính thức được đổi tên từ Bộ Kinh tế theo Sắc lệnh số 21-SL (ngày 14/5/1951). Sắc lệnh đó không chỉ mở ra một trang sử cho Bộ Công Thương trong việc phục vụ nhiệm vụ chiến lược khi đó là đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn mà còn đặt nền móng cho một ngành kinh tế chủ đạo của đất nước về sau này.

Một điểm rất thú vị là cùng ngày khai sinh cho truyền thống 70 năm ngành Công Thương, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh cũng ký Sắc lệnh số 22 thành lập trong Bộ Công Thương một cơ quan kinh doanh lấy tên là Sở Mậu dịch. Sở Mậu dịch khi đó được ấn định nhiệm vụ “tổ chức việc buôn bán trong nước, việc buôn bán trao đổi với nước ngoài và việc đấu tranh mậu dịch với địch”.

Hai sắc lệnh lịch sử này đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thực hiện mục tiêu “kép” của lịch sử khi đó là vừa kháng chiến, vừa kiến quốc cho dẫu bối cảnh lịch sử lúc đó còn muôn vàn gian khó, nước Việt Nam vừa ra khỏi tư thế chiến đấu trong vòng vây, khai thông được liên lạc và thiết lập được quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Với chiều dài lịch sử của đất nước thì lịch sử 70 năm của ngành Công Thương chỉ là một khoảng thời gian thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho thấy tầm nhìn xa trong việc nắm bắt đúng tư duy lịch sử, khơi dậy những tiềm năng của đất nước, thiết lập những thể chế quản lý hiệu quả để những lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, năng lượng vốn rất mới mẻ ở một quốc gia nặng về tư duy đồng ruộng như Việt Nam có điều kiện bén rễ, nảy mầm để đi đến những trái ngọt trong hội nhập như ngày hôm nay.

Ngành Công Thương luôn khẳng định vai trò là ngành chủ đạo tạo ra của cải vật chất cho đất nước

Ngành Công Thương luôn khẳng định vai trò là ngành chủ đạo tạo ra của cải vật chất cho đất nước

Đến thôn Đồng Don, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang- thủ đô kháng chiến năm xưa, cũng là nơi đặt “bản doanh” đầu tiên của ngành Công Thương, dẫu biết rằng những tháng ngày đã qua chỉ là cái chớp mắt trong lịch sử nhưng lòng những ai từng đến đây đều cảm nhận được những biến chuyển kỳ diệu của ngành Công Thương đều gắn chặt với lịch sử đất nước suốt 7 thập kỳ qua.

Không kỳ diệu sao được khi khởi nguồn từ Đồng Don, dòng chảy hàng hóa, vật tư, thiết bị, nguyên nhiên liệu đã lan tỏa đến mọi miền đất nước, đến mọi gia đình trong muôn vàn gian khó của kháng chiến, của những tháng năm khôi phục đất nước, của cả những tháng năm phải chiến đấu với bao vây, cấm vận và của chính những rào cản từ những tư duy mang nặng tính chủ quan. Có thể còn ít, có thể còn chưa theo quy luật, hay chưa đúng nhu cầu chủng loại nhưng bao giờ cũng vậy, “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Lời của Bác chỉ bảo cho cả đất nước mà cũng là cẩm nang hành động của người Công Thương suốt những thập kỷ vừa qua.

Cũng không kỳ diệu sao được khi từ bản nhỏ Đồng Don, hàng hóa thương hiệu Việt Nam đã mỗi ngày một được biết đến nhiều hơn bên ngoài biên giới, tận những siêu thị xa xôi khắp các châu lục, khi mà Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, đã đúc kết hàng chục thỏa ước thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn nhất, là thành viên của những tổ chức quốc tế quan trọng nhất ngày nay.

70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, có thể tự hào để nói rằng ngành Công Thương đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Công Thương cũng có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khi Bác Hồ ký Sắc lệnh xác lập Bộ Công Thương của một quốc gia, mấy ai hiểu được Bác đã kỳ vọng, đã tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của đất nước đến thế nào khi mà ở đó nước được độc lập, tự do, dân được hạnh phúc, kinh tế phát triển để hướng tới tâm thế sánh cùng các cường quốc năm châu.

Niềm tin ấy của Người cũng đã theo suốt biết bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương. Để hôm nay, ngành Công Thương có thể tự hào báo cáo với Đảng, với Bác: Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Niềm tin được Bác trao truyền luôn là động lực mãnh liệt, để qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Công Thương luôn khẳng định vị trí đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân, là ngành chủ đạo tạo ra của cải vật chất, cung cấp, đáp ứng nhu cầu xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và chăm lo đời sống nhân dân.

70 năm trải qua nhiều mô hình tổ chức cho phù hợp với điều kiện lịch sử, ngành Công Thương vẫn luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác và của đất nước. Niềm tin ấy cũng là hành trang cho toàn ngành Công Thương trên bước đường đi tới: Tin ở sức mình, tin ở tiền đồ đất nước để biến những khát vọng phát triển thành hiện thực, để có một đất nước Việt Nam phồn vinh, dân tộc Việt Nam hạnh phúc.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-viet-nam-manh-liet-mot-niem-tin-157035.html