Ngành dệt may: Nỗ lực cho mục tiêu 30 tỷ USD

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - về mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 30 tỷ USD, tăng trưởng 6,5-7% của ngành dệt may năm 2017.

Doanh nghiệp dệt may trong nước không ngừng nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Năm 2016, ngành dệt may đã về đích không đúng hẹn, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Năm 2016, nhu cầu nhập khẩu chung của các nước đều sụt giảm nên các nước XK gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường, ngay cả Ấn Độ, Trung Quốc cũng bị suy giảm. Năm vừa qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng 5,2%, cao nhất trong 7 nước XK dệt may thế giới. Vì vậy, với kim ngạch XK 28,3 tỷ USD đạt được trong năm vừa qua, tuy không đạt mục tiêu nhưng đã thể hiện rõ nỗ lực của doanh nghiệp (DN), nhất là cải thiện thị phần tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cùng với đó, hoạt động cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ thực hiện trong năm qua cũng có những tác động tích cực. Đặc biệt là cải cách ở Bộ Công Thương, ngành tài chính, thuế, hải quan… giúp rút ngắn thời gian thực hiện dịch vụ công. Với ngành thời trang, thời gian giao hàng là yếu tố cốt lõi, vì thế hướng cải cách thủ tục hành chính sẽ hỗ trợ lớn cho DN trong ngành những năm tới.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

2017 được dự báo là năm tiếp tục khó khăn cho ngành dệt may, theo ông đâu là căn cứ để hoàn thành mục tiêu 30 tỷ USD?

Tình hình thị trường năm 2017 tín hiệu sáng hơn do kinh tế Hoa Kỳ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, mức độ tiêu dùng hy vọng cải thiện. Cho dù Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thực thi thì mức tăng trưởng 6% và có thêm 700 triệu USD tại thị trường này là khả thi.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU) cũng được đánh giá sẽ mang lại thuận lợi cho DN dệt may. Theo đó, EVFTA là hiệp định lớn bởi quy mô của khối thị trường này lên tới 200 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm. Mặc dù quy mô dân số lớn nhưng vẫn là những quốc gia riêng, có bản sắc văn hóa riêng. Vì vậy, nói là tiếp cận thị trường EU nhưng thực tế là tiếp cận từng thị trường riêng biệt. Tính chất thị trường nhỏ nhưng tính thời trang cao, thời gian quay vòng sản phẩm ngắn, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh nên không dễ tiếp cận. Tuy nhiên, do đây là thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam nên mức tăng trưởng 2-3% trong năm nay có thể đạt được.

Hơn nữa, sau khi EVFTA có hiệu lực, dệt may Việt Nam sẽ có cùng mặt bằng cạnh tranh với các nước đang hưởng GSP như: Campuchia, Bangladesh trong một số chủng loại mặt hàng nên đây cũng là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng tại khối thị trường này.

Hiệp định EAEU cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngành tăng thị phần tại thị trường truyền thống - Nga từ 2% lên 10%, với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD.

Đặc biệt ngay từ đầu năm, nhiều DN dệt may đã có đủ đơn hàng cho quý I/2017 với số lượng dồi dào là bước chạy đà tốt cho ngành thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2017.

Ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp trong việc tận dụng các tín hiệu sáng của thị trường, đẩy nhanh hơn nữa hoạt động xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường?

Yếu tố đầu tiên là phải liên kết DN trong ngành để đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất sứ từ sợi và vải, đồng thời tự nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục tìm thị trường ngách, làm những đơn hàng có quy mô nhỏ và vừa nhưng khó, để tiếp tục xác định lợi thế về kỹ thuật, tay nghề người lao động.

DN tập trung khai thác hiệu suất trang thiết bị đã đầu tư, giảm mở thêm nhà máy, tuyển thêm lao động dựa trên tài sản cố định để tăng ca. Hiện nay, ngành may chỉ làm việc từ 8-9 giờ/ngày, 15-16 giờ còn lại là máy đóng, rất lãng phí.

Tiếp tục nâng cao năng suất không chỉ từ rút gọn quy trình và tối ưu hóa sản xuất mà còn bao gồm thay thế những thiết bị có độ tự động kém, sử dụng nhiều lao động bằng thiết bị có độ tự động cao nhằm giảm chi phí lao động/1 đơn vị sản phẩm.

Các doanh nghiệp ngành dệt may trong đó có Vinatex coi thị trường nội địa là mũi nhọn phát triển trong năm 2017, xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Trong bối cảnh hoạt động XK chưa có sự cải thiện rõ rệt, việc tập trung vào phát triển thị trường nội địa là một trong những giải pháp căn bản nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của ngành. Tuy nhiên, thị trường dệt may nội địa có quy mô nhỏ từ 4-5 tỷ USD nên chỉ có thể chọn một số DN mạnh, có thị phần tốt ở đô thị làm mũi nhọn phát triển. Theo đó, thúc đẩy các DN này tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành để tạo sức cạnh tranh.

Đặc biệt, Vinatex có định hướng khuyến khích các DN thành viên sử dụng chung hệ thống phân phối. Ví dụ, Tổng công ty CP May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng chỉ bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm đồ lót từ Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân, chăn ga trải giường từ Tổng công ty CP Phong Phú… Hình thức kết hợp này không tạo sự cạnh tranh với hàng hóa của Việt Tiến mà chỉ là sản phẩm bổ sung, giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.

Việc DN dệt may trong nước liên kết giữ thị phần tại thị trường nội địa còn giúp giữ sân nhà trước sự chiếm lĩnh của hàng hóa nước ngoài. Những năm gần đây, nhà đầu tư đã mua lại một số trung tâm thương mại lớn của Việt Nam như: Metro, Big C; xu hướng hàng hóa đi thẳng từ Thái Lan, Singapore qua Việt Nam không nhỏ. Do vậy, tập trung bảo vệ và phát triển thị trường nội địa được coi là giải pháp trọng tâm của ngành dệt may trong năm 2017.

Xin cảm ơn ông!

Việt Nga (Thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-det-may-no-luc-cho-muc-tieu-30-ty-usd-81920.html