Ngành dệt may thêm cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Với kim ngạch XK đạt gần 20 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018, ngành dệt may đã có tốc độ tăng trưởng bứt phá trong các tháng đầu năm. Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình XK của ngành dệt may trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi, đặc biệt với những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa Việt Nam, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch XK 35 tỷ USD trong năm 2018.

XK dệt may khả quan trong các tháng đầu năm 2018. Ảnh: Nguyễn Huế.

Thêm thị phần vào thị trường Mỹ

Theo nhận định của Công ty CP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC), ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành có cơ hội nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 17% tổng XK hàng may mặc của Trung Quốc, trong khi 50% hàng may mặc tiêu dùng tại Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy ở nhóm hàng này Mỹ ở vị thế phụ thuộc nhiều hơn với Trung Quốc. Theo đánh giá của BVSC, việc thuế tăng lên sẽ khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất các mặt hàng may mặc sang các nước khác nhằm tránh thuế. Các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Baladesh, Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Đối với ngành dệt may Việt Nam, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, trong đó nhân dân tệ cũng mất giá so với Việt Nam đồng giúp các DN nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó ngành dệt may của Việt Nam có thể lấy thêm thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.

Thông tin phân tích về ngành dệt may của Công ty CP Chứng khoán quốc tế Việt Nam cũng cho thấy, việc Mỹ đã áp 25% thuế XK hàng dệt may từ Trung Quốc đã mang lại lợi thế cho Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ khi đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Trong 20 mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế sang Mỹ thì Việt Nam có 5 mặt hàng có thế mạnh gồm: Vải Canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE.

Có thể đạt kim ngạch XK 35 tỷ USD

Tuy nhiên, theo Công ty CP Chứng khoán quốc tế Việt Nam khi bị sụt giảm nguồn cung vào Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm kiếm các thị trường khác thay thế, vì vậy, Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Trung Quốc đang là thị trường NK chính về nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam. Nhiều nhà máy sợi của Việt Nam đang XK tới 70-80% sản lượng sang thị trường này. Trong tương lai gần, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lan rộng, các mặt hàng như vải, sợi sẽ ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp.

Bên cạnh đó, việc Mỹ khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là cơ hội cho các nước cạnh tranh bên cạnh Trung Quốc như Việt Nam, Mexico, Campuchia, Bangladesh. Đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nhưng có một vấn đề khác là Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc luân chuyên sản xuất sang các nước láng giềng nhằm tận dụng lợi thế về chi phí nhân công, thương mại và đi đường vòng vào Mỹ. Khi đó các DN Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng đầu tư đến từ Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2018, XK dệt may của Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 50%, tiếp đó là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt hàng dệt may của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Đây là sự phát triển đột phá của ngành dệt may từ năm 2017 đến nay.

Liên quan đến tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến theo hướng có lợi thế cho hàng hóa của Việt Nam trong đó có ngành dệt may. Với kết quả khả quan trong các tháng đầu năm, dự kiến tổng kim ngạch XK của ngành dệt may trong năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra khoảng 1 tỷ USD. Về lo ngại những tác động bất lợi của chiến tranh thương mại liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, ông Giang cho rằng điều này phụ thuộc vào vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt cửa khẩu và thị trường.

Mặc dù vậy, Hiệp hội cũng đã khuyến nghị các DN trong ngành luôn phải tuân thủ các quy định pháp lý quốc tế. “Tuy nhiên nguy cơ gian lận nếu có xảy ra không lớn vì bản thân các nhà NK lớn của Mỹ và Trung Quốc đều ý thức được rằng “cái giá phải trả” sẽ là không nhỏ khi bị các bạn hàng quốc tế đánh giá thấp về sự minh bạch trong kinh doanh”, ông Giang cho biết.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-det-may-them-co-hoi-tu-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung.aspx