Ngành Điện khắc ghi lời Bác dặn

Sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, ngày 21-12-1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Tại đây, Bác căn dặn: 'Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa'. Khắc ghi lời dặn của Người, các cán bộ, công nhân ngành Điện, đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó...

Kỹ sư vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Thành

Kỷ niệm đặc biệt với Bác

Ngày 21-12-1954, dù rất bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, vật liệu. Và ngày 21-12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện Việt Nam.

Nhớ lại kỷ niệm đặc biệt với Bác, ông Đặng Đức Hà, nguyên Giám đốc Sở Điện lực Hà Nội (trước đây) cho biết, Nhà máy Đèn Bờ Hồ, tiền thân của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội hiện nay được khởi công xây dựng vào ngày 6-12-1892 tại phố Francis Garnier, nay là số 69 phố Đinh Tiên Hoàng, với 2 tổ máy phát điện một chiều, có tổng công suất 500kW, chỉ đủ thắp sáng 523 bóng đèn cho các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đến năm 1922, nhà máy có sản lượng điện hằng năm khoảng 1 triệu kWh. Đồng thời, đường dây tải điện 3,3kV cũng được lắp đặt từ hồ Hoàn Kiếm đi chợ Mơ, Cầu Giấy và Hà Đông.

Năm 1925, người Pháp khởi công xây dựng Nhà máy Điện Yên Phụ; đến năm 1933, nhà máy này đã có tổng công suất 22.500kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, trong bộn bề khó khăn, công nhân ngành Điện đã đoàn kết, thi đua tiết kiệm nguyên vật liệu, duy trì sản lượng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, không ít lần Nhà máy Điện Yên Phụ bị trúng bom, nhưng công nhân nhà máy vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững dòng điện, góp phần bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1988, Nhà máy Điện Yên Phụ đã ngừng hoạt động sau 63 năm vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Việc học, làm theo lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết đến nay vẫn luôn giữ nguyên giá trị.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tinh thần đoàn kết đã trở thành văn hóa của ngành Điện. Tinh thần đó đã được chuyển hóa thành hành động, thành tựu cụ thể ngày hôm nay.

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Những năm qua, ngành Điện Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc. Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, hệ thống điện Việt Nam được xếp hạng về quy mô lớn thứ 23 trên thế giới, với nhiều công trình lớn, như các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, đường dây 500kV Bắc - Nam…

Học và làm theo lời dạy của Bác, EVN đã phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2019, năng suất lao động toàn tập đoàn tăng 10% so với năm 2018, đạt 2,41 triệu kWh/người (gấp gần 2 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước). EVN tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó năng suất lao động phải tăng 10% so với năm 2019.

Tổn thất điện năng của hệ thống điện năm 2019 giảm còn 6,5% là ngưỡng không nhiều nước trên thế giới đạt được. Tập đoàn phấn đấu đạt trình độ vận hành hệ thống điện của nhóm ASEAN 4 vào năm 2020. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế và đứng thứ 4 Đông Nam Á, vượt 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ.

Thành tựu nổi bật nữa của ngành Điện Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao là công cuộc điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho người dân miền núi, hải đảo. Nếu năm 1975, Việt Nam chỉ có 25% số huyện, 15% số xã và 2,5% số hộ dân nông thôn có điện, thì đến năm 2019, 100% số huyện, 100% số xã và 99,25% hộ dân nông thôn có điện. EVN đã cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước, trong đó có huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Theo ông Trịnh Mai Phương, Trưởng ban Truyền thông EVN, thời gian gần đây EVN đã chuyển từ tư duy cung cấp điện sang dịch vụ chăm sóc khách hàng, hình thành văn hóa kinh doanh “văn minh, minh bạch và hiệu quả”.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song mỗi cán bộ, nhân viên ngành Điện sẽ luôn cố gắng, đoàn kết, quyết tâm vươn lên, phát triển một cách bền vững, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó; thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/967764/nganh-dien-khac-ghi-loi-bac-dan