Ngành điện và ngành khí phía nam chuẩn bị ứng phó bão số 9

Chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã khẩn trương tổ chức ứng phó với cơn bão này.

Bão số 9 đang dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh phía nam và dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào đêm ngày 24/11, tâm bão hướng thẳng vào hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.

Theo dự báo, bão số 9 là cơn bão nguy hiểm, hiện đang di chuyển với tốc độ nhanh và vẫn có khả năng mạnh thêm.

Đến 4h sáng ngày 24/11, vị trí tâm bão sẽ cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230 km về phía đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130 km về phía đông-đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 m/giờ), giật cấp 12.

Trước tình hình mưa bão, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó.

Tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 22/11 về công tác phòng chống bão lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các tỉnh Nam Trung Bộ cần tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến bất thường của mưa bão, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để chủ động ứng phó với áp thấp/áp thấp nhiệt đới, EVN SPC đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiệm việc thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm DBKTTV Quốc gia và tham khảo các trang thông tin dự báo của quốc tế để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Chuẩn bị phương án ứng phó với áp thấp/áp thấp nhiệt đới, tiến hành kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu trên lưới điện quản lý, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Công ty Lưới điện cao thế miền Nam và các công ty điện lực, đặc biệt là công ty điện lực dọc theo bờ biển từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau do có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ áp thấp/áp thấp nhiệt đới nên cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; phối hợp với BCH PCTT&TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới.

Với công ty có quản lý thủy điện và công ty thủy điện rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ, thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng lưới điện do bão gây ra, đơn vị báo ngay bằng điện thoại cho trực ban phòng chống thiên tai theo các số 0913.725097 hoặc 0918.062233.

Đối với ngành dầu khí, dự báo trong hai ngày 24 và 25/11, bão số 9 sẽ gây ảnh hưởng đến vùng biển có mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ và có thể là vùng mỏ Thiên Ưng.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trên các mỏ, giàn khoan, tại các công trình dầu khí, các biện pháp về tổ chức, kỹ thuật theo kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai; yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình về an toàn lao động, thường xuyên kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, an toàn công nghệ, phương tiện cứu sinh; sẵn sàng hỗ trợ chính quyền địa phương tham gia phòng chống bão, bảo vệ cộng đồng dân cư...

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, ngăn ngừa các thiệt hại về con người, tài sản và môi trường do bão gây ra, Tổng công ty Khí Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến, đường đi của bão, duy trì trực chỉ huy 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời ứng phó; triển khai các phương án phòng chống bão theo kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và môi trường.

Đặc biệt, đối với các công trình đang thi công, xây lắp, bảo dưỡng sửa chữa phải tiến hành kiểm tra, rà soát có các biện pháp, phương án sơ tán người, vật tư thiết bị đến nơi an toàn và sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ các đơn vị khác khi được yêu cầu và báo cáo tình huống khẩn cấp theo quy định của Tổng công ty.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nganh-dien-va-nganh-khi-phia-nam-chuan-bi-ung-pho-bao-so-9/352905.vgp