Ngành đóng tàu quân sự Nga hồi sinh ngoạn mục qua mặt cả châu Âu

Ngành đóng tàu của Nga đã rơi vào tình trạng đình trệ từ những năm 1990, tuy nhiên hiện tại lĩnh vực trên đang hồi sinh ngoạn mục, đầy ấn tượng.

Trong thập niên 1990 và 2000, các công ty đóng tàu của Nga (cả dân sự và quân sự) hầu như đều không có đơn đặt hàng, dẫn tới việc thiếu tập trung đầu tư và nâng cấp công nghệ.

Trong thập niên 1990 và 2000, các công ty đóng tàu của Nga (cả dân sự và quân sự) hầu như đều không có đơn đặt hàng, dẫn tới việc thiếu tập trung đầu tư và nâng cấp công nghệ.

Hệ quả trực tiếp chính là Hải quân Nga rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí không có đủ kinh phí để sửa chữa các con tàu hiện có, chưa kể đến việc đặt hàng đóng chiến hạm mới.

Tuy vậy theo Tạp chí Meta-Defense của Pháp những thay đổi lớn trong ngành đóng tàu quân sự Nga đã bắt đầu vào thập niên 2010 và tiếp tục kéo dài cho tới ngày nay.

Những đơn hàng đặt đóng mới chiến hạm được tiếp tục, tuy nhiên vẫn có sự chậm trễ lớn bởi nhiều con tàu được sản xuất mới song song với việc khôi phục năng lực của các xưởng đóng tàu cũ.

Giai đoạn này kéo dài từ khoảng năm 2012 đến năm 2020, nhưng kết quả có thể nhận thấy ngay: thời gian đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Borey giảm từ 17 năm xuống còn 7 năm, các tàu hộ vệ tên lửa 4.000 tấn giảm từ 12 năm xuống còn 5 năm.

Thậm chí thời gian đóng tàu ngầm diesel-điện còn ấn tượng hơn. Tờ báo Pháp so sánh, Liên Xô chế tạo một chiếc Kilo trong 1 năm, thời điểm năm 2010 Nga cần hơn 4 năm, giờ đây Moskva đã tiến gần đến mốc thời gian cũ.

Ngành đóng tàu quân sự Nga đang gia tăng khối lượng sản xuất, ngày nay Moskva đã vượt qua tất cả các nhà máy đóng tàu của châu Âu về số lượng đơn hàng đang thực hiện.

Cụ thể, hiện nay ở châu Âu có 5 tàu ngầm hạt nhân, 4 ngầm tàu diesel-điện, 1 tàu sân bay trực thăng, 12 khinh hạm và 5 tàu hộ tống đang được chế tạo cùng lúc.

Con số này ở Nga là 5 tàu ngầm hạt nhân và 5 tàu ngầm diesel, 6 khinh hạm, 10 tàu hộ vệ cỡ lớn, 11 tàu tên lửa tấn công nhanh và 3 tàu quét mìn.

Như vậy Nga đã vượt qua châu Âu về khối lượng đơn hàng đóng tàu quân sự lần đầu tiên sau 30 năm. Tờ tạp chí của Pháp đã phải đặt câu hỏi tại sao nước Nga lại đẩy nhanh tốc độ đến vậy?

Giới chuyên gia cho rằng trong khi châu Âu đang đưa tàu chiến đi trợ giúp Mỹ ở khắp các vùng biển trên thế giới thì hạm đội hiện đại hóa của Nga có thể sẽ chiếm ưu thế so với lực lượng hải quân thường trực của các nước EU.

Trước đó có thông tin cho biết không lâu nữa con tàu đầu tiên được đóng mới hoàn toàn theo khái niệm "tàng hình" sẽ xuất hiện tại Nga, đó là tàu hộ vệ mới nhất thuộc Dự án 20386 Mercury, hiện việc lắp đặt cấu trúc thượng tầng của con tàu đang được tiến hành.

Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng những con tàu do Nga chế tạo chủ yếu có lượng giãn nước nhỏ và trung bình, lượng giãn nước chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 so với chiến hạm do châu Âu đóng mới, chưa kể mức độ công nghệ vẫn có khoảng cách nhất định.

Ngoài ra sản lượng vượt trội của ngành đóng tàu quân sự Nga mang tính thiếu bền vững, bởi trong khi châu Âu tiết giảm chi tiêu quân sự thì ngược lại, Moskva đang gia tăng ngân sách quốc phòng.

Điều này có thể thay đổi nhanh chóng nếu phương Tây đưa ra những chính sách mới trong thời gian sắp tới, nhất là khi ưu thế về tiềm lực và công nghệ vẫn thuộc về họ.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nganh-dong-tau-quan-su-nga-hoi-sinh-ngoan-muc-qua-mat-ca-chau-au-post479661.antd