Ngành du lịch: Cần những 'kịch bản' cho ngày đón khách trở lại

Từ ngày 23/4, khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều cơ sở lưu trú, KDL, điểm vui chơi trên địa bàn tỉnh cũng tất bật chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại. Thế nhưng, thời gian khách quay trở lại, vừa kinh doanh vừa phòng dịch, kịch bản phục hồi sau dịch… tất cả cần phải được tính toán cụ thể.

Nhân viên Hồ Mây Park vận chuyển nước giải khát vào khu vực phục vụ bán hàng lưu niệm, giải khát sẵn sàng cho ngày mở cửa hoạt động.

Nhân viên Hồ Mây Park vận chuyển nước giải khát vào khu vực phục vụ bán hàng lưu niệm, giải khát sẵn sàng cho ngày mở cửa hoạt động.

LÀM MỚI CƠ SỞ

Những ngày này, khách sạn Malibu đang chạy nước rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng bảo dưỡng toàn cơ sở sau 4 năm hoạt động. Hơn 50 công nhân, nhân viên khách sạn tăng ca đêm dọn vệ sinh, sục rửa hồ bơi, tẩy sáng nền sảnh đón tiếp... kịp cho ngày mở cửa trở lại 2/5. Bà Hà Gia Lệ, Tổng quản lý khách sạn Malibu cho biết, từ cuối tháng 3, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, khách sạn Malibu đóng cửa khách sạn và tập trung sửa chữa. Theo đó, toàn bộ thảm lót sàn nhà, nệm - drap - gối - mền được thay mới, làm sạch lòng hồ bơi và thay nước mới, tẩy sáng gạch sàn. Song song với duy tu cơ sở vật chất, 158 nhân viên cũng được bồi dưỡng tay nghề và chia ca phụ việc trong quá trình sửa chữa khách sạn. “Nhiều tỉnh, thành phố đang nới dần lệnh cấm du lịch. Mấy hôm nay, nhiều du khách bắt đầu tìm hiểu dịch vụ trở lại. Do vậy, chúng tôi cũng phải gấp rút hoàn tất sửa chữa để sẵn sàng đón khách khi lệnh giãn cách xã hội nới dần, du khách bắt đầu đi du lịch trở lại”, bà Lệ cho hay.

Không chỉ khách sạn Malibu, thời điểm này tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú, vui chơi trên địa bàn tỉnh đều tập trung làm vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, thay mới thiết bị hư hỏng, triệu tập nhân viên và lên kế hoạch thu hút khách trở lại. Một mặt chuẩn bị cơ sở, nhân lực cho ngày mở cửa trở lại, mặt khác các khách sạn, KDL tiếp tục chủ động các biện pháp phòng dịch. Ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park cho biết, Hồ Mây Park mới chỉ mở cửa khu cà phê Hòn Rù Rì. Khách đến giải khát được kiểm soát chặt số lượng, không vượt quá 20 người tại cùng một thời điểm. “Riêng khối lưu trú và khu vui chơi trên Núi Lớn, chúng tôi đang xem xét ngày mở cửa trở lại. Trong bối cảnh vẫn phòng dịch, trước ngày hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ sát khuẩn toàn bộ cơ sở, trang bị nước rửa tay, nhân viên và khách đều bắt buộc đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách tối thiểu”, ông Thế Anh cho hay.

Sau ngày 23/4, nhiều tỉnh, thành phố nới lỏng cách ly xã hội, giao thương, vận tải, di chuyển giữa các tỉnh, thành được nối lại, trong đó có du lịch. Ghi nhận tại khối khách sạn, KDL trên toàn tỉnh, khách bắt đầu rục rịch tìm hiểu dịch vụ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới, đón khách, kích cầu như thế nào để cho đúng tinh thần nới lỏng thận trọng, vừa phòng dịch vừa kinh doanh rất cần phải có chiến lược phù hợp.

ĐẾN QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH

Còn nhớ, những ngày cuối tháng 1, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó lan đến một số quốc gia ở châu Á, du lịch BR-VT nói riêng và cả nước nói chung vẫn tự tin đón và phục vụ du khách. “Điểm đến an toàn” là thông điệp được truyền thông mạnh mẽ để thu hút khách và cũng được xem như giải pháp để giúp ngành du lịch duy trì hoạt động trong tình cảnh khó khăn. Hàng loạt sản phẩm, gói kích cầu được bàn thảo và chính thức được áp dụng để thu hút khách. Nhưng mọi tính toán đều bị “phá vỡ” khi dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn ở trong nước, kể từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 về sau. Trên thế giới càng phức tạp hơn, virus SARS-CoV-2 lần lượt lan rộng ra khu vực Trung Đông, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ.

Du lịch bị tác động đầu tiên. Khách sụt giảm dần rồi tê liệt hoàn toàn. Đến hiện tại, điểm đến bền vững, không bền vững; hay điểm đến an toàn, không an toàn đang trở thành câu hỏi được đặt ra cho ngành du lịch toàn cầu.

Theo ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, đây là cuộc khủng hoảng về du lịch lớn nhất mà thế giới, Việt Nam và BR-VT nói riêng từng phải trải qua. Phát triển du lịch một cách bền vững, hạn chế các rủi ro là điều mà sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ phải được ngành du lịch Việt Nam và BR-VT đánh giá lại một cách toàn diện và cụ thể. Trong vài ngày tới Hiệp hội Du lịch sẽ ngồi lại bàn giải pháp để có những cơ chế kích cầu đủ mạnh. Trong đó tập trung vào tiêu dùng nội địa với những chính sách khuyến mãi thời hậu dịch. “Đối với khách nước ngoài, việc phục hồi lại thị trường sẽ chậm vì diễn biến dịch trên thế giới vẫn phức tạp. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng sẽ chuẩn bị chiến lược quảng bá, truyền thông điểm đến đủ đậm nét, hấp dẫn... Đặc biệt truyền thông qua internet, mạng xã hội và các kênh bán phòng trực tuyến đến những thị trường truyền thống cũng được tính toán để thu hút khách quốc tế trở lại”, ông Linh cho biết.

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/du-lich/202004/nganh-du-lich-can-nhung-kich-ban-cho-ngay-don-khach-tro-lai-897917/