Ngành du lịch phải chạy đua tuyển sinh viên do thiếu người

Trong bối cảnh phục hồi ngành du lịch, nhân lực luôn là vấn đề nóng bỏng chưa được giải quyết trong suốt 4 tháng mở cửa trở lại. Không chỉ còn là 'cơn khát' mà nhân lực ngành này đang lâm vào tình trạng khủng hoảng khi lượng khách du lịch ngày một tăng cao.

Nhận định về vấn đề trên, chia sẻ tại Hội thảo "Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam" ngày 9/8, Tổng cục trưởng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: "Hiện nay các đơn vị trong toàn ngành đang gặp khó khăn thách thức phục hồi sau ngày mở cửa đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực. Nhân lực khối du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngành đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi các lao động có trình độ cao".

Tổng cục trưởng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh.

"Chất lượng ngành phụ thuộc nhiều vào người lao động, vì vậy cần có những giải pháp thiết thực và kịp thời, chú trọng đào tạo hiệu quả bằng nhiều hình thức để bù đắp lực lượng nhân sự thiếu hụt, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy sức mạnh tổng hợp sẵn sàng đón làn sóng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam", Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Khủng hoảng nguồn nhân lực

Báo cáo về tình hình nhân lực ngành du lịch trong 7 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết "Với tổng số 700.000 buồng trong tất cả các cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam thì cần 485.000 lao động để phục vụ. Trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ có hơn 300.000 lao động, chỉ đạt 50% công suất, vì vậy cần đẩy mạnh công tác đào tạo trong thời gian tới".

Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn cũng chỉ ra rằng, công suất buồng phòng đang không đáp ứng được số lượng khách du lịch nội địa. Điều này đặt ra yêu cầu các khách sạn, khu du lịch dịch vụ phải cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như khẩn trương bổ sung khoảng trống trong nhân lực.

Đứng từ thực tiễn kinh doanh của một cơ sở lưu trú du lịch, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội đưa ra những thực trạng rất khó khăn của ngành hiện nay. Bà Thủy cho biết: "Trước kia khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm, tuy nhiên sau 2 năm đại dịch tàn phá, hiện nay nhân lực không có kể cả những sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm chúng tôi vẫn tuyển".

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội.

"Do ảnh hưởng của dịch, lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ hiện nay lại là nhân lực chính của khách sạn. Nếu như trước đây, sinh viên được làm bán thời gian trong khách sạn lớn là niềm tự hào của các em thì hiện nay, các khách sạn lớn phải tự chủ động đến các trường đào tạo du lịch xin đào tạo và xin ký kết hợp đồng với các em. Thậm chí nếu không phải thương hiệu lớn thì không đến lượt", Giám đốc khách sạn Silk Path Hà Nội trăn trở.

Về vấn đề nhân sự của công ty, bà Thủy cho biết: "Trong giai đoạn Covid, Silk Path vẫn hoạt động và duy trì được một phần nhân viên nhưng không có nghĩa là một phần nhân viên đó đến giờ vẫn còn mà đã rơi rụng rất nhiều, đến mức có những bộ phận chỉ còn 10% nhân viên trong khi vẫn phải duy trì dịch vụ chất lượng cao".

Ngoài việc không có nhân lực đủ năng lực đáp ứng cho ngành còn một khó khăn trong bài toán lao động là nhân lực ứng tuyển đưa ra mức lương cao hơn khung khách sạn có thể chi trả. Điều này càng khiến cho các khách sạn khó khăn trong việc tuyển người.

Bà Thủy trăn trở, có những người ứng tuyển chức vụ Concierge (người đứng ở cửa sảnh) đưa ra mức lương 18 triệu; Duty manager (người Quản lý ca trực) yêu cầu lương 15-20 triệu; nhân viên F&B không có kinh nghiệm không làm ca đêm (bộ phận nhà hàng và quầy thức uống trong khách sạn) yêu cầu mức lương 7 triệu. Theo bà Thủy, những yêu cầu này của ứng viên đang tạo ra những khó khăn thật sự cho các khách sạn.

"Trong bối cảnh khủng hoảng nhân sự, các cuộc đấu tranh giành giật nhân lực và nhân tài thậm chí đi "cướp" của nhau đang diễn ra hàng ngày. Mà nếu giành giật nhân sự như vậy thì cũng không có nguồn lực mới, từ đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy của những người làm lãnh đạo", giám đốc Silk Path nhấn mạnh.

Mức lương đã đủ để thu hút nhân lực?

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, ông Nguyễn Quang Chủ tịch CLB quản lý buồng phòng Việt Nam đặt ra câu hỏi tại sao người lao động lại không lựa chọn ngành du lịch nữa? Phải chăng đến từ mức lương và chế độ đãi ngộ? Ông Quang đưa ra dẫn chứng: "Theo khảo sát của Hoteljob vào tháng 6/2022 khi khách sạn đang phục hồi cho thấy 48% người đánh giá cho biết không hài lòng với mức thu nhập và chế độ trong ngành khách sạn".

"Mặt bằng chung của các khách sạn Việt Nam kể cả các khách sạn thương hiệu quốc tế, lương nhân viên chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, tiền phí phục vụ thêm khoảng 2 triệu đồng/ tháng. So với các lao động không cần ngoại ngữ làm tại các ngành như da giày có mức lương tuyển dụng trung bình 6-7 triệu và có thể tăng theo thời gian nhưng ngành khách sạn lương không được như vậy. Chế độ lương thấp, dù lên chức quản lý cũng dao động từ 9-10 triệu nên không có người muốn học, muốn làm".

Ông Nguyễn Quang Chủ tịch CLB quản lý buồng phòng Việt Nam

Ông Quang cũng khẳng định ngành khách sạn là môi trường làm việc rất vất vả, nhân viên phải chấp nhận thách thức, phải có kỹ năng nghề, chịu được áp lực và đi ca kíp nhưng lương không cao, áp lực lớn. Đặc biệt trong thời gian Covid, lao động có khi phải tăng ca đến 150% công suất nên rất khó để giữ chân người lao động.

Chia sẻ giải pháp khắc phục vấn đề này, ông Quang cho rằng: "Các khách sạn phải nâng cao chất lượng dịch vụ từ đó bán sản phẩm với giá tương ứng, tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động thì mới giải quyết được khó khăn này".

Trong bối cảnh khủng hoảng nhân lực, đại diện một số trường đào tạo du lịch cũng đưa ra một số giải pháp thu hút sinh viên học ngành này. Trưởng khoa Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn Trường Đại học Công Nghệ TP HCM, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng thông tin: "Công tác tuyển sinh ngành du lịch gặp khó khăn do gia đình không động viên cho học sinh làm du lịch sau dịch COVID-19".

"Để tạo động lực cho sinh viên học ngành này, cơ quan quản lý nhà nước nên làm công tác dự báo nguồn nhân lực. Làm rõ 5 năm nữa ngành du lịch cần nguồn nhân lực như thế nào bằng những số liệu cụ thể. Từ đó nhà trường dựa vào đó truyền lửa cho sinh viên chọn ngành du lịch", PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng cho biết.

Từ ngày 15/3/2022, sau khi Chính phủ chính thức cho phép mở cửa hoạt động du lịch, sau 4 tháng mở cửa, toàn ngành đón 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, 733.000 lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 316.000 tỉ đồng.

90% có sở lưu trú du lịch quay trở lại hoạt động với công suất bình quân đạt 55%. Ngành du lịch vượt chỉ tiêu năm 2022 về khách du lịch nội địa (kế hoạch phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa). Cùng với sự phục hồi đáng kinh ngạc của du lịch nội địa là những khó khăn, hạn chế của ngành trong bối cảnh lượng khách vượt so với dự kiến khi không có đủ nhân lực để phục vụ.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-du-lich-phai-chay-dua-tuyen-sinh-vien-do-thieu-nguoi-post9775.html