Ngành Du lịch: Thích ứng với khó khăn

Cùng với việc đẩy mạnh khai thác nội địa, ngành du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch xúc tiến, quảng bá tới khách quốc tế, sẵn sàng khôi phục thị trường vào thời điểm thích hợp.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, quý I/2020, Việt Nam đón 3.686.779 lượt khách quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 13 triệu lượt, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch ước đạt 6,1 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 không chỉ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch nói riêng mà còn tác động gián tiếp tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác liên quan. Vì vậy, sau giãn cách xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch.

Ngành du lịch nỗ lực vực dậy các hoạt động

Đánh giá về chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, việc kích cầu du lịch nội địa tại thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, giúp vực dậy ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (DN) du lịch nói riêng. Vì vậy, các địa phương, hiệp hội, DN, đơn vị vận tải, kinh doanh du lịch, các hãng hàng không… cùng phối hợp, xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhất, nhằm thu hút khách du lịch nội địa.

Với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng những kế hoạch hoạt động để khi thời điểm thích hợp, Việt Nam sẵn sàng truyền thông, tăng cường xúc tiến quảng bá, đón và phục vụ khách quốc tế với sự đảm bảo môi trường an toàn, chất lượng dịch vụ tốt. Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch - cho biết, du lịch Việt Nam đang tăng cường hoạt động truyền thông về Việt Nam an toàn, đủ năng lực đảm bảo an toàn cho du khách. Trong đó, chiến dịch "VietnamNOW" là hoạt động truyền thông hướng tới khách quốc tế với những sản phẩm du lịch mang đẳng cấp thế giới, cập nhật một góc nhìn mới trọn vẹn hơn về Việt Nam. Còn bộ sản phẩm "Ở nhà với Việt Nam" (Stay home with Vietnam) dành cho khách quốc tế, nhằm giữ kết nối và truyền cảm hứng tới du khách trong giai đoạn toàn thế giới đang tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch Covid - 19.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đã lên kế hoạch triển khai các hoạt động vào thời điểm thích hợp như: Truyền thông về điểm đến du lịch Việt Nam an toàn cũng như tình hình kiểm soát dịch ở Việt Nam, quảng bá du lịch qua CNN...; tổ chức chương trình quảng bá du lịch online tới các thị trường quốc tế, cập nhật tình hình du lịch, hàng không Việt Nam tới các DN, du khách quốc tế; tham dự hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức roadshow quảng bá du lịch, đón các đoàn famtrip đến khảo sát du lịch Việt Nam…

Sự chủ động của các cơ quan quản lý với hy vọng vực dậy ngành du lịch đang nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA Travel, để "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" không chỉ mang tính hô hào thì cần truyền thông để người dân thấy đi du lịch lúc này rất có lợi. Mặt khác, du lịch Việt Nam vẫn còn khó khăn dài, Tổng cục Du lịch không chỉ đề xuất, mà cần cả ngành cùng chiến đấu để chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm áp dụng trong thực tế, có như vậy mới thoát khỏi sự khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến, để thu hút du khách, DN có nhiều gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường; vừa có chính sách giá hấp dẫn, nhưng phải chú trọng gia tăng các giá trị cộng thêm cho khách hàng. Các địa phương cần có chính sách đảm bảo an toàn cho du khách và hỗ trợ DN...

Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong gian đoạn khó khăn về thị trường khách quốc tế; đồng thời sẽ kết nối, cập nhật thông tin đến DN về các kế hoạch triển khai, để DN có cơ hội tham gia hưởng ứng.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-du-lich-thich-ung-voi-kho-khan-137561.html