Ngành du lịch Trà Vinh nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết

Trà Vinh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đặc sắc. Những giá trị tài nguyên sẵn có, hệ thống cơ sở vật chất, các ý tưởng khai thác sản phẩm du lịch tại Trà Vinh ngày càng được cải thiện. Qua đó đã góp phần thu hút ngày càng đông đảo du khách đến với Trà Vinh.

Du khách trải nghiệm thu hoạch khoai lang tại điểm du lịch nông nhiệp Cồn Ông, thị xã Duyên Hải. Ảnh: NX

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch Trà Vinh được xem là một trong những điểm đến ấn tượng, có bản sắc tại vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay, du lịch Trà Vinh đang trên đà phát triển, với kỳ vọng nâng tầm thương hiệu du lịch, là một trong những điểm đến “hàng đầu” của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long: “Phát triển du lịch biển cần tập trung đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tham quan điện gió, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch biển”.

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngay từ đầu năm 2023 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, xây dựng sản phẩm mới; đồng hành, hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm du lịch, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh… Qua 01 năm thực hiện, ngành du lịch Trà Vinh đã đạt được những kết quả nổi bật.

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh công nhận 02 điểm du lịch cấp tỉnh là Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (huyện Cầu Kè) và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha (thành phố Trà Vinh). Trình Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận 02 điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực là Khu di tích danh lam thắng cảnh ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha; ra mắt Cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh...

Công tác quản lý các cơ sở lưu trú du lịch luôn được quan tâm, thường xuyên phối hợp kiểm tra đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có 128 cơ sở lưu trú du lịch, gồm: 03 nhà khách, 09 khách sạn 02 sao, 12 khách sạn 01 sao, 05 homestay và 99 cơ sở đạt chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch; 01 trung tâm thương mại và 15 nhà hàng ẩm thực kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; 01 công ty lữ hành quốc tế và 08 công ty lữ hành nội địa.

Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, cuối tháng 11/2023, ngành du lịch đã phối hợp với Viện Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thị xã Duyên Hải ra mắt mô hình du lịch nông nghiệp tại ấp Cồn Ông, xã Dân Thành. Đây là sản phẩm du lịch thứ 05 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị xây dựng.

Cùng với các điểm du lịch đang khai thác như: Làng Văn hóa Du lịch Khmer, điểm Du lịch cộng đồng Cồn Chim (Châu Thành), mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô (Càng Long); cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP (thành phố Trà Vinh)… góp phần khai thác có hiệu quả mạng lưới các điểm đến trên địa bàn tỉnh nhằm hiện thực kỳ vọng “Kết nối hành trình từ sông ra biển”.

Du khách vui chơi tại biển Ba Động, thị xã Duyên Hải.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành du lịch đã phối hợp với VNPT Trà Vinh xây dựng sàn giao dịch du lịch điện tử thông minh nhằm hướng dẫn các cơ sở nhà hàng, khách sạn khai thác, vận hành, sử dụng sàn giao dịch du lịch điện tử. Phối hợp MobiFone Trà Vinh thực hiện mô hình du lịch thông minh tham quan thực tế ảo MobiFone Smart Travel. Tiếp tục đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển du lịch theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh. Qua đó đã giải ngân nguồn vốn cho 08 hồ sơ, 22 hồ sơ đang triển khai.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải; xây dựng Khu lưu niệm Cố Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu tại huyện Duyên Hải... Đây là những công trình trọng điểm, được xác định là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Khi dự án hoàn thành sẽ là điểm nhấn quan trọng góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Để du lịch ngày càng phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế quang trọng của tỉnh… năm 2024, ngành du lịch tiếp tục thực hiện đồng bộ các hoạt động trọng tâm như: phối hợp với các tỉnh trong khu vực tham gia các sự kiện quảng bá du lịch; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch;

Tăng cường quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa và con người Trà Vinh tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các huyện Tiểu Cần, Trà Cú hoàn thiện các mô hình đang khai thác du lịch; xây dựng sản phẩm mới Du lịch sinh thái cù lao Tân Qui tại huyện Cầu Kè;

Lập hồ sơ công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch tiêu biểu khu vực; tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh; tổ chức các hoạt động du lịch trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong khai thác và phát triển du lịch...

Bài, ảnh: PHÚC NGUYÊN - LÂM THY

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/nganh-du-lich-tra-vinh-no-luc-hoan-thanh-chi-tieu-nghi-quyet-34868.html