Ngành dược phẩm hưởng lợi từ bùng nổ kênh bán lẻ

VDSC nhận định động lực tăng trưởng của ngành dược phẩm đến từ sự mở rộng các chuỗi nhà thuốc và bệnh viện, cũng như chi tiêu bình quân cho dược phẩm ngày càng lớn.

Trong báo cáo cập nhật ngành dược phẩm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định triển vọng ngành vẫn tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ các tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số và mức nền thấp.

Hiện các chuỗi nhà thuốc hiện đại như Pharmacity, Long Châu, An Khang đang tăng tốc mở mới gần 1.000 cửa hàng thuốc giúp cho doanh thu kênh OTC (thuốc không kê đơn) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Cùng với 56.000 cửa hàng thuốc truyền thống, VDSC cho rằng sẽ còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đẩy mạnh doanh thu từ kênh bán lẻ.

Trong khi kênh ETC (thuốc kê đơn) cũng có tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ số lượng các bệnh viện xây dựng mới nhiều hơn. Giai đoạn 2016-2020 đã có thêm 121 bệnh viện được xây dựng mới, trong đó có 46 bệnh viện công và 75 bệnh viện tư nhân.

Fitch Solutions dự báo doanh thu dược phẩm kênh ETC sẽ tăng từ 118.000 tỷ đồng năm 2022 lên 166 nghìn tỷ vào năm 2026, trong khi kênh OTC đạt mức tăng tương ứng từ 36.700 tỷ đồng lên 50.000 tỷ. Tốc độ tăng trưởng kép bốn năm lần lượt là 9% và 7%.

Số lượng nhà thuốc hiện đại và bệnh viện liên tục được mở rộng.

Số lượng nhà thuốc hiện đại và bệnh viện liên tục được mở rộng.

Trong ngắn hạn, doanh thu ngành dược phẩm được dự báo có được tăng trưởng tích cực nhờ mức nền so sánh thấp của kênh bệnh viện cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát trong các năm trước khiến bệnh nhân bị hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, từ đó làm doanh thu kênh ETC bị suy giảm kể từ đầu quý I/2021.

Thêm nữa, người dân lựa chọn mua thuốc điều trị triệu chứng Covid-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe tại kênh nhà thuốc, dẫn tới sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm.

Theo nghiên cứu của VDSC, doanh thu kênh OTC duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý I/2022. Doanh thu của kênh ETC sụt giảm trong nửa đầu năm 2021 và đang có tín hiệu cải thiện vào quý I/2022.

Về dài hạn, động lực tăng trưởng của ngành dược phẩm còn đến từ xu hướng già hóa của dân số Việt Nam. Người cao tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe và do vậy nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn so với độ tuổi lao động.

Theo Tổng cục thống kê, độ tuổi trên 60 hiện có khoảng 13,86 triệu người, tương đương với 13% tổng dân số Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 23,34 triệu người, chiếm 21% tổng dân số Việt Nam vào năm 2040.

Động lực khác là chi tiêu bình quân đầu người gia tăng cùng với tăng trưởng thu nhập bình quân. Fitch Solutions dự chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm năm 2021 là 1,5 triệu đồng và lên đến 2,1 triệu đồng vào năm 2026, tương đương mức tăng trưởng kép 7,7%.

Tuy nhiên ngành dược phẩm cũng đối mặt với các thách thức mới như nguyên liệu hoạt tính (API) - vốn chiếm 51% giá thành sản xuất thuốc - vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc nhập khẩu đang khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và các biến động tỷ giá.

Thuốc ngoại cũng đang chiếm lĩnh kênh bán hàng qua bệnh viện. Giá trị trúng thầu thuốc kênh bệnh viện đạt 15.380 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, trong đó thuốc ngoại chiếm 67% và thuốc nội chỉ 33%.

Thuốc nội địa tuy có giá thành rẻ hơn nhưng chưa thể cạnh tranh vì chất lượng thấp hơn. Trong trung dài hạn, VDSC đánh giá năng lực cạnh tranh của thuốc nội sẽ được cải thiện vì Bộ Y Tế đang ưu tiên sử dụng thuốc nội đạt tiêu chuẩn để tiết kiệm chi phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế xã hội.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-duoc-pham-huong-loi-tu-bung-no-kenh-ban-le-post1342882.html