Ngành đường sắt phục hồi sau đại dịch Covid-19

Chiều 5-1, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành đường sắt Việt Nam.

Năm 2022, hoạt động của ngành đường sắt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đặc biệt trong quý I-2022. Tính chung cả năm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đã được phục hồi nhưng sản lượng vẫn chưa đạt mức của năm 2019, trước khi có dịch Covid-19.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2022, ngành đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải. Cụ thể, doanh thu: 7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn -130,5 tỷ đồng.

Sản lượng vận tải của ngành đường sắt phục hồi trong năm 2022 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ. Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống Nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ: 77,4%. Tàu khách khu đoạn, đi đúng giờ: 97,7% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ: 84,6% (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kịp thời ban hành biểu đồ chạy tàu khách Thống Nhất dịp mùa Hè 2022, điều chỉnh chạy tàu khách, tàu hàng trên các tuyến đường sắt phía Bắc Sông Hồng, xây dựng hành trình và tổ chức chạy thêm tàu nhiều đôi tàu để đáp ứng nhu cầu của hành khách tăng cao trong dịp nghỉ hè, nghỉ lễ.

Các đơn vị vận tải đường sắt chủ động triển khai phương án bán vé tàu Tết Nguyên đán 2023. Sau khi mở bán, từ ngày 25-10 đến ngày 2-12-2022 đã bán được 129.257 vé tàu Tết. Để hành khách dễ dàng mua vé đi tàu, ngành đường sắt đã mở thêm hình thức đại lý bán vé trực tuyến. Đồng thời, điều chỉnh giá vé linh hoạt, xây dựng phương án giá nguyên đoàn cho các khách hàng có số lượng vận chuyển lớn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại hội nghị.

Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng được các đơn vị tổ chức thực hiện đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng bảo đảm. Các đơn vị chủ động xây dựng phương án, kế hoạch theo phương châm 4 tại chỗ; chủ động tổ chức kiểm tra và gia cố các công trình xung yếu; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng bảo đảm ứng cứu kịp thời. Các đơn vị cũng tích cực, chủ động ứng phó bão, lũ, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai gây ra.

So với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ tai nạn là 216 vụ, giảm 41 vụ (tương đương 16%); làm chết 85 người, giảm 25 người (22,7%); bị thương 126 người, giảm 54 người (30%); sự cố chạy tàu 767 vụ, giảm 251 vụ (24,7%).

Tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành đường sắt vượt kế hoạch đề ra, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng thực hiện tốt, giải ngân 100% vốn được Bộ Giao thông vận tải giao. Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên, giữ được đội ngũ nhân lực.

Về kế hoạch năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng đề xuất, ngành đường sắt cần phấn đấu vượt kế hoạch chạy tàu của năm 2022 với biểu đồ tối ưu hơn và bảo đảm an toàn. Cùng với đó, cải thiện tình hình tài chính, không chỉ phấn đấu giảm lỗ mà hướng đến hết lỗ và có lãi.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với công tác tái cơ cấu cần xác định là việc làm thường xuyên, tuy nhiên, không nên quá nặng về hình thức, tách ra nhập vào các đơn vị mà quan trọng là giải pháp hiệu quả. Ngành đường sắt bị giới hạn về nguồn vốn, công nghệ, hạ tầng, vì vậy cần bổ sung cơ chế từ công tác quản lý kết cấu hạ tầng đến cơ chế vận hành, phối hợp với các phương thức vận tải khác.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cột, trước hết là kết cấu hạ tầng gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng. Thứ 2 là vận tải, sản phẩm cuối cùng của đường sắt là cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa, muốn vậy phải cải thiện chất lượng dịch vụ, tàu đi, đến đúng giờ, an toàn, tạo thuận tiện cho người dân khi mua vé, lên tàu.

Trụ cột thứ 3 là mảng cơ khí, bên cạnh nội địa hóa cần nâng cao chất lượng, mở rộng khách hàng. Ngành đường sắt có bộ máy, tổ chức, cơ sở vật chất nhưng chưa năng động, mới chỉ tập trung vào sản xuất đầu máy, toa xe phục vụ ngành và các đơn vị vận tải.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm đến phát triển đường sắt, ngoài gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai còn tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nganh-duong-sat-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19-715796