Ngành giáo dục năm 2020: Nhiều kỳ vọng trước những đổi thay lớn

Năm 2020 đã chính thức bắt đầu- năm mà ngành giáo dục sẽ thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục. Năm 2020 cũng là năm sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thổng mới ở lớp 1, đồng thời Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực. Rất nhiều thay đổi đang chờ ở phía trước, với không ít thời cơ và thách thức đi kèm, vì thế, rất nhiều kỳ vọng đang được đặt ra với đội ngũ cán bộ quản lý ngành và các thầy cô giáo trên cả nước.

Sẵn sàng cho chương trình mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đã được công bố và năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu áp dụng đối với lớp 1 trên toàn quốc. Chương trình có nhiều thay đổi, kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó, chú trọng đến phát triển năng lực học sinh và áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học.

Chương trình GDPTM phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9). Mục đích chính của giai đoạn này là cung cấp kiến thức nền tảng để các em tiếp tục học lên hoặc học nghề. Nội dung một số môn học được lồng ghép để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo. Giai đoạn thứ hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn này nhằm đảm bảo cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp. Ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các em được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Chương trình GDPT khi đi vào thực hiện sẽ đánh dấu một sự đổi mới mang tính đột phá đối với ngành GD&ĐT (Ảnh tư liệu)

Chương trình GDPTM khi đi vào thực hiện sẽ đánh dấu một sự đổi mới mang tính lịch sử và đột phá đối với ngành GD&ĐT. Nhưng để chuẩn bị cho chương trình mới, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa cũng phải đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, công bố phê duyệt sách giáo khoa và từng bước chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình mới đang được song song chuẩn bị. Trong đó, vai trò, đội ngũ những người thầy là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo thành công của chương trình mới, sách mới. Không phải không có những băn khoăn, nhưng mọi sự thay đổi đều kèm theo đó những lo lắng riêng mà phải trong quá trình thực hiện mới có thể có những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, khắc phục những hạn chế chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới

Một điểm quan trọng của năm 2020 là Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020. Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục có những điểm mới cơ bản.

Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục.

Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH1. Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc XHH việc biên soạn sách giáo khoa (Điều 32).

Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường

Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.

Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập.

Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục. Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 96).

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (Điều 95, Điều 101…).

Luật Giáo dục sửa đổi khi có hiệu lực, khắc phục những hạn chế chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới (Ảnh tư liệu)

Sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách đối với đội ngũ giáo viên có một số thay đổi, Bộ GD&ĐT và các bên liên quan đang có những tính toán, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Bộ đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xem với chương trình ấy, trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, giáo viên phải làm việc bao nhiêu thời gian; quy đổi theo 40 giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra được có bao nhiêu tiết phải đứng lớp, bao nhiều tiết chuẩn bị; từ đó ra được số giáo viên trên lớp. Đây là bài toán lao động cần giải căn cơ nghiêm túc, kỹ lưỡng và phù hợp.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Kỳ vọng về sự tử chủ rộng mở

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34) được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho các trường về tự chủ. Luật số 34 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”.

Luật GDĐH sửa đổi có nhiều quy định nới rộng, cụ thể với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động học thuật, tài chính, nhân sự. Qua đó, thúc đẩy các trường có chính sách hoạt động hiệu quả trong nâng cao chất lượng phát triển, tăng cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34) được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho các trường về tự chủ (Ảnh tư liệu)

Theo quy định của Luật, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng được làm rõ hơn. Trong đó, hội đồng trường có thực quyền hơn trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn, nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ ĐH của Việt Nam.

Năm 2020 được Bộ GD&ĐT xác định là năm tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục củng cố công tác thanh tra; khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; các nhiệm vụ triển khai theo tiếp độ do Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giao; các nhiệm vụ cần ưu tiên tập trung giải quyết theo đặc thù của từng đơn vị.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-giao-duc-nam-2020-nhieu-ky-vong-truoc-nhung-doi-thay-lon-177608.html