Ngành hải quan đẩy mạnh hiện đại hóa thủ tục hành chính

Theo Tổng cục Hải quan, từ 15/6 – 15/7/2021, số hồ sơ được xử lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 80 nghìn hồ sơ với khoảng gần 800 doanh nghiệp tham gia. Tính đến 15/7, đã có 226 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,97 triệu hồ sơ của gần 48,5 nghìn doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, cơ quan hải quan cho biết đang tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo thống kê vừa công bố, từ 15/6 - 15/7/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN xấp xỉ 17 nghìn C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước trên 31,4 nghìn C/O. Lũy kế đến ngày 15/07/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 383.446 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 970.894 C/O.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Dự kiến Việt Nam kết nối trao đổi chính thức thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu điện tử từ ngày 1/10/2021.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, ngành Hải quan cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trình tự thủ tục để trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.

Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong tháng, Tổng cục Hải quan tiến hành: thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số; rà soát, hoàn thiện các yêu cầu bài toán nghiệp vụ xây dựng hệ thống hải quan thông minh; hoàn thiện lại hồ sơ đề xuất cấp độ theo ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về DVCTT, ngành hải quan đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo đó từ ngày 1/7, Tổng cục Hải quan đã triển khai, cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 22 TTHC mới. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 DVCTT mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số TTHC do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 TTHC đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả theo hình thức trực tuyến..

Trong tháng 7/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh và triển khai các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu…; thực hiện phân tích, xác định rủi ro đối với một số nhóm mặt hàng để chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp…/.

M.P

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nganh-hai-quan-day-manh-hien-dai-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-587062.html