Ngành Hải quan đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35/NĐ-CP

Với tinh thần đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều cải cách, hiện đại hóa mạnh mẽ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng. Tiếp nối những hành đông tích cực đó, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch hành động của Tổng cục Hải quan thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Hải quan.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN... là những nôi dung cơ bản trọng tâm bằm trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tường Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP trong năm 2017, tầm nhìn 2020.

Theo đó, ngày 28/8/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2917/QĐ-TCHQ ngày 28/8/2017 ban hành Kế hoạch hành động của Tổng cục Hải quan thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp và tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP trong năm 2017, tầm nhìn 2020.

Tại Kế hoạch hành động, Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu, việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg và tiếp tục triển khai Nghị quyết 35 trong năm 2017, tầm nhìn 2020 cần bảo đảm cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Hải quan xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cục Hải quan tăng cường tham mưu, giúp Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, quyết định về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015.

Đồng thời, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hàng hóa XNK, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Không ngừng củng cố và triển khai mở rộng các thủ tục hành chính thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia theo hướng liên thông, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin.

Đặc biệt, tập trung nghiên cứu thực hiện đổi mới phương thức KTCN theo nguyên tắc quản lý rủi ro; áp dụng chế độ ưu tiên trong kiểm tra. Chuyển thời điểm KTCN về chất lượng hàng hóa (kể cả kiểm tra hiệu suất năng lượng và an toàn thực phẩm) trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan, trừ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu có rủi ro cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường, quốc phòng và an ninh.

Tăng cường thực hiện việc công nhận kết quả kiểm tra theo thỏa thuận; đảm bảo tỷ lệ hàng hóa XNK phải KTCN ở mức không quá 20% so với tổng số lô hàng XNK, tương đương các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Minh bạch hóa chính sách quản lý, cung cấp công cụ hỗ trợ cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK có điều kiện trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Nghiên cứu xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về thí điểm KTCN một số mặt hàng tại cơ quan hải quan.

Phối hợp với các bộ, ngành rà soát các mặt hàng XNK đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục KTCN để sửa đổi, điều chỉnh theo hướng giảm thiểu đầu mối kiểm tra, tránh chồng chéo. Thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN.

Cùng với đó phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, chuẩn hóa mã số hàng hóa XNK thuộc diện quản lý và KTCN thống nhất với mã hàng hóa tại danh mục hàng hóa XNK.

Hoàn thiện việc mã hóa 231 chính sách/thủ tục hành chính liên quan đến quy định về quản lý và KTCN đối với hàng hóa XNK nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ hàng hóa XNK khi thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS và hệ thống một cửa quốc gia.

Tiếp tục tăng cường phối hợp các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính hải quan; tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK và nghiên cứu áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, thể chế hóa Luật Hải quan, Luật Thuế XNK nhằm hỗ trợ và phát triển DN, đồng thời đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/nganh-hai-quan-day-manh-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-35-ndcp-121318.html