Ngành Hải quan đồng hành phát triển dịch vụ logistics

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu hàng hóa, ngành Hải quan cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp logistics, đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan.

Nguồn: Agility. Đồ họa: Văn Chung

Nhiều cải cách đồng bộ

Thời gian qua, ngành Hải quan luôn đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa. Hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan được xây dựng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan. Cùng với đó, ngành Hải quan cũng đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo lộ trình đã đề ra.

Ngành Hải quan đã hỗ trợ, hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp logistics trong việc cung cấp thông tin về chính sách, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan và chính sách xuất nhập khẩu một cách thường xuyên, kịp thời cũng như trong việc đào tạo, huấn luyện cho nhân viên đại lý, làm thủ tục hải quan, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo dựng được uy tín để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngành Hải quan cũng đã được triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động đã mang lại nhiều kết quả nổi bật của ngành Hải quan trong thời gian qua nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm đáng kể. Đồng thời, chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành được thực hiện theo hướng: Tăng đối tượng được miễn kiểm tra; miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có 3 lần nhập khẩu đạt yêu cầu. Đồng thời thay đổi phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sang áp dụng 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm.

Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục

Ở địa phương, cơ quan hải quan cũng rất năng động, linh hoạt trong các hoạt động cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp logistics.

Tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan hải quan luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển logistics, do đó tích cực cải cách hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Qua đó giúp thành phố khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, góp phần đáng kể tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị kết nối với các hiệp hội làm cầu nối để trao đổi thông tin, tổ chức đào tạo tập huấn hướng dẫn các quy định để các doanh nghiệp logistics nắm bắt tốt trong quá trình làm thủ tục.

Còn theo ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, hàng năm, đơn vị tổ chức 3-4 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, trong đó có đối thoại riêng với các hãng tàu. Qua đối thoại, nhiều hãng tàu lớn đã cam kết không thu phí cược container đối với hàng trả nội địa, chỉ thu đối với hàng lạnh đi biên giới. Đối với đại lý hải quan, Hải quan Hải Phòng bố trí khu vực riêng phục vụ làm thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp này… nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhằm cắt giảm chi phí.

Nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nhờ logistics

Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50, tăng 1 bậc so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021.

Tới đây, Chiến lược phát triển Hải quan đã xác định nhiều giải pháp mạnh sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển không gian kinh tế -xã hội, phát triển hành lang kinh tế… Từ những giải pháp này khi được triển khai thực hiện sẽ góp phần phát triển thương mại xuyên biên giới, từ đó góp phần thúc đẩy liên kết phát triển dịch vụ logistics tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Một số giải pháp cụ thể đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đang và sẽ được triển khai thực hiện trong toàn ngành Hải quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có tác động tích cực và trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói chung, hoạt động logistics nói riêng.

Cụ thể là tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh với mức độ số hóa ngày càng cao. Bên cạnh đó là triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan tập trung đảm bảo cơ quan hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Những giải pháp đó thể hiện sự quyết tâm cũng như đánh giá nỗ lực cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan góp phần không nhỏ vào việc tạo thuận lợi thương mại và tăng cường kết nối hệ thống logistics giữa hải quan - doanh nghiệp và các công ty kinh doanh kho, bãi, cảng, sân bay./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-dong-hanh-phat-trien-dich-vu-logistics-138587.html