Ngành Hải quan đột phá cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại

Cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, thường xuyên nắm bắt tình hình 'sức khỏe' của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kịp thời hướng dẫn những chính sách mới, đối thoại tháo gỡ vướng mắc… là những cách làm đã và đang được ngành Hải quan tập trung triển khai, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Cắt giảm 10,2 tỷ đồng chi phí tuân thủ mỗi năm

Thời gian qua, một loạt chính sách đột phá, đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại đã được ngành Hải quan triển khai, thực hiện mang lại kết quả tích cực.

Tổng cục Hải quan đã triển khai công tác cải cách hành chính thông qua nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính phương án cắt giảm 2 chế độ báo cáo; đơn giản hóa 2 chế độ báo cáo và 1 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan; nâng tổng số đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan giai đoạn 2020-2025 đạt 8%; chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cắt giảm đạt 10,2 tỷ đồng/năm.

Những kết quả đạt được đã giúp đơn vị giữ xếp hạng đứng đầu trong số các đơn vị khối tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cách hành chính; đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Tài chính 7 năm liên tiếp.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan luôn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), thậm chí “lượng hóa” nhiệm vụ hỗ trợ.

Cụ thể, tổng cục yêu cầu giải đáp vướng mắc thuộc thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục hải quan trong vòng 2 giờ làm việc; đối thoại với DN theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố.... Ở cấp tổng cục, hội nghị đối thoại sẽ được tổ chức chung 6 tháng đến 1 năm/lần, song song với các cuộc đối thoại riêng với các đối tượng DN khác nhau.

Theo ông Kim Long Biên - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), ngành Hải quan đặt ưu tiên công tác đối thoại với DN lên hàng đầu để giúp DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức khi thi hành công vụ.

Đồng hành bằng nhiều phương thức sáng tạo

Không chỉ ở cấp trung ương, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã và đang triển khai nhiều sáng kiến đồng hành cùng DN. Trong đó, cơ quan hải quan tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp tại trụ sở các DN có đóng góp số thu lớn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, cũng như lắng nghe đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ phía DN…

Theo ông Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh, đơn vị đã thành lập tổ nghiệp vụ gồm những công chức giỏi nghiệp vụ chuyên môn, nhằm mục đích kịp thời được hướng dẫn DN, khi có vướng mắc phát sinh... Cách làm này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng DN; góp phần giải quyết nhanh thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.

Tại Đồng Nai, công tác tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các DN được Cục Hải quan Đồng Nai chú trọng. Chuyên mục “Tư vấn thủ tục hải quan qua mạng” trên website đã giải đáp 24.688 câu hỏi. Hệ thống trao đổi thông tin hải quan - DN do Cục Hải quan Đồng Nai đầu tư xây dựng và vận hành đã xử lý 1.392 câu hỏi vướng mắc của DN.

Đồng thời, hệ thống cũng đã tiếp nhận xử lý hơn 67.071 văn bản, với 2.915 DN trao đổi thông tin qua lại. Theo ông Phạm Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, đơn vị luôn đảm bảo tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính đúng thời hạn; kịp thời trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.

Công chức Hải quan Đồng Nai hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Tại Quảng Ninh, ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, cho hay các hình thức hỗ trợ DN được đơn vị tổ chức linh hoạt, đa dạng. Đơn cử như, đơn vị tổ chức các hội nghị đối thoại, làm việc trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng, Zalo, Viber, Email… để kịp thời tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, chính xác các phản ánh, kiến nghị của người dân và cộng đồng DN.

Tại địa bàn Hà Nội, cơ quan hải quan tiếp tục nhân rộng những giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Ví dụ, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã xây dựng được cơ chế làm việc 3 bên thông qua việc ký biên bản hợp tác giữa cơ quan hải quan và Hiệp hội Logistics Hà Nội; thiết lập Nhóm làm việc chung hải quan - DN logistics, đại lý làm thủ tục hải quan - DN xuất nhập khẩu để đảm bảo các thông tin, vướng mắc của DN; các hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan hải quan được ghi nhận và xử lý nhanh chóng.

Mô hình này được Cục Hải quan Hà Nội xác định sẽ nhân rộng tới một số chi cục tập trung nhiều DN kinh doanh dịch vụ logistics như: Bắc Thăng Long, Hòa Lạc... Đồng thời, đơn vị cũng nghiên cứu mở rộng nội dung hợp tác với các hiệp hội theo các chuyên đề gắn liền với ngành hàng, đặc thù hoạt động của DN.

Trong khi đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh lại chú trọng công tác hiện đại hóa, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để đáp ứng khối lượng công việc “siêu khủng”. Cục đã chủ động xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ công tác đặc thù của đơn vị.

Cục cũng đã thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên Hệ thống quản trị nội bộ HCAS trong việc số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác, đặc biệt là hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ công chức trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá, như: Đề án tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái; Đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi;…

Thực tế cho thấy, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố đã luôn đồng hành để kịp thời hỗ trợ các DN hoạt động xuất nhập khẩu. Từ đó góp phần quan trọng vào tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế đất nước.

ÔNG PHẠM TẤN CÔNG - CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:

Ấn tượng về những cải cách của cơ quan hải quan

Điểm đổi mới của cơ quan hải quan là luôn chủ động đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi, phát triển của cộng đồng DN. Không chỉ dừng lại bằng việc cải cách các thủ tục hành chính, cơ quan hải quan còn chủ động trao đổi, nắm bắt tâm tư của DN, từ đó báo cáo Bộ Tài chính và phối hợpvới các cơ quan liên quan nhằm giải quyết, tháo gỡ nhanh vướng mắc cho DN.

Tôi cho rằng, những giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể mà cơ quan hải quan đã và đang triển khai thực hiện để lại ấn tượng tốt đẹp và được cộng đồng DN, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.

BÀ NGUYỄN MINH THẢO - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG (CIEM):

Cơ quan hải quan rất cầu thị, lắng nghe

Trong lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu, phải ghi nhận rằng doanh nghiệp đang đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.

Thực tế cũng cho thấy, khi thực hiện các thủ tục về thông quan hàng hóa, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nhưng cơ quan hải quan cũng rất cầu thị, lắng nghe và kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Tôi đánh giá cao những thay đổi rất kịp thời của ngành Hải quan khi xử lý những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-dot-pha-cai-cach-hanh-chinh-tao-thuan-loi-thuong-mai-149040.html