Ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác Quốc hội giao

Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Kết quả đạt được của ngành Kiểm sát đã góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh.

Chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ tiếp tục chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của VKSND tối cao, trong Quý I năm 2024, lãnh đạo VKSND tối cao đã quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ngành; tiếp tục chỉ đạo sâu sát công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và các công tác khác, nhất là những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, nhiều kế hoạch và văn bản, thông báo kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác của Ngành năm 2024, xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành và được cụ thể hóa thành 98 nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm 2024.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tặng hoa chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của VKSND tối cao tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 90,5%; tỉ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%; tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt cao; tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có hồ sơ nghiên cứu án hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động được giải quyết vượt chỉ tiêu; tích cực ban hành 52 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; chú trọng tổng hợp vi phạm của Viện kiểm sát cấp dưới để ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong toàn Ngành...

Công tác xây dựng Ngành có chuyển biến tích cực như: Chú trọng kiện toàn tổ chức, lãnh đạo chủ chốt; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành quy định mới của pháp luật và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong Ngành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Ngành; công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt kết quả tốt. Đặc biệt, VKSND tối cao Việt Nam đã chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 được các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao...

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử trong một phiên tòa đại án.

Ngoài ra, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao; chủ động ban hành kế hoạch, chương trình và hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong toàn Ngành năm 2024 đối với VKSND cấp dưới. Tập trung chỉ đạo công tác nghiệp vụ; tham mưu, thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ việc về tham nhũng, kinh tế; tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm, phức tạp dư luận xã hội quan tâm; phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp.

Xác định những nhiệm vụ đột phá

VKSND tối cao đã triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra (Vụ 3); ban hành hướng dẫn, trả lời thỉnh thị 28/36 văn bản đối với VKSND cấp dưới; 4 thông báo rút kinh nghiệm đối với VKSND địa phương; tiêu chí phân loại, xử lý các vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương (Vụ 5). Đồng thời, hoàn thành Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5).

Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý 910 thông tin về vi phạm, tội phạm. Trong đó, tiếp nhận mới 754 thông tin; đã phân loại, xử lý 800 thông tin, đạt tỉ lệ 87,9%. Vụ 8 trực tiếp kiểm sát 5 cuộc tại trại giam, trại tạm giam và 2 cuộc kiểm sát đột xuất; thông qua kiểm sát, đã ban hành 7 kết luận với nhiều nội dung kiến nghị và 2 kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Trong thực thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND tối cao (Vụ 7) thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm 15 vụ/39 bị cáo (trong đó, Viện kiểm sát kháng nghị 8 vụ/16 bị cáo, thụ lý mới 1 vụ/3 bị cáo); đã giải quyết 9 vụ/26 bị cáo, trong đó, Viện kiểm sát kháng nghị 3 vụ/4 bị cáo, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị 3 vụ/4 bị cáo, đạt tỉ lệ 100% số vụ…

Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam một bị can.

Năm 2024, xác định nhiệm vụ đột phá theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao trong toàn ngành KSND là kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại và công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung nâng cao tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính được Tòa án chấp nhận, giảm tỉ lệ án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát; đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II năm 2024 được VKSND tối cao xác định đó là tham mưu ban hành kế hoạch nghiên cứu, quán triệt, phổ biến và thực hiện các chỉ thị, quy định của Đảng, của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ, việc trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm và những vụ, việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tiếp tục, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các quy chế, quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung và các quy trình, hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục triển khai xây dựng các Đề án lớn nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu; tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm. Đồng thời, thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm tiến độ, hiệu quả, chất lượng và theo đúng quy định hiện hành…

Cao Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/nganh-kiem-sat-nhan-dan-phan-dau-dat-va-vuot-cac-chi-tieu-cong-tac-quoc-hoi-giao-156937.html