Ngành Lâm nghiệp tập trung nhân lực cứu rừng

Một số cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và tất cả các cuộc họp của Tổng cục Lâm nghiệp vào thời điểm hôm qua (1/7) đều phải dừng lại để tập trung nhân lực đến hiện trường chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng ở miền Trung.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị

Nắng hạn kéo dài, gió Lào khô nóng thổi cấp 6 - 7 cộng với sự bất cẩn của người dân đã khiến cho một số cánh rừng ở khu vực Bắc miền Trung mấy ngày nay “bốc khói”, gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng.

Trao đổi nhanh với Pháp luật Việt Nam vào cuối giờ chiều qua (1/7), ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ông đang có mặt tại khu vực xảy ra cháy ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - nơi có đám cháy khá lớn. Cho đến sáng qua (1/7), tất cả các đám cháy ở khu vực Bắc miền Trung đã được khống chế.

Thiệt hại ban đầu được ước tính ra sao, thưa ông?

- Trong vòng chưa đầy một tuần (26 - 30/6), trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm phát cháy, trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100 ha. Một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng là: Nghệ An (4 vụ), Hà Tĩnh (3 vụ), Quảng Trị (1 vụ) Thừa Thiên - Huế (3 vụ),... Ước tính thiệt hại khoảng hàng trăm hecta rừng đã bị thiêu rụi.

Ông cho biết công tác khắc phục hậu quả được triển khai thế nào?

- Trong số các vụ cháy ở khu vực miền Trung, có nhiều vụ đã được khống chế nhưng lại bùng phát trở lại và kéo dài 2 -3 ngày, như: vụ cháy ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh); vụ cháy tại các xã Sơn Trung, Sơn Lễ, (Hương Sơn, Hà Tĩnh)...

Để lửa không bùng phát, chúng tôi cử lực lượng rà soát lại các điểm đã cháy, xác định nơi nào còn tàn để dập tắt hẳn. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh cụ thể thiệt hại và nguyên nhân gây ra; đồng thời xác định đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật và xây dựng phương án để phục hồi lại rừng ở khu vực đã thiệt hại.

Tổng cục Lâm nghiệp với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã tổ chức cứu rừng thế nào?

Hiện tại, nhiều cuộc họp của Bộ và toàn bộ các cuộc họp của Tổng cục đã được hoãn để tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng cháy chữa cháy tại khu vực miền Trung. Sau khi xảy ra các đám cháy gần đây, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng có Công điện số 776/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh từ Ninh Bình đến Khánh Hòa.

Đồng thời, liên tục phát đi cảnh báo, dự báo đến các địa phương, các điểm có nguy cơ cháy cao để các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát. Tổng cục Lâm nghiệp đã đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để các cơ quan chức năng và người dân nắm được thông tin cần thiết.

Ngoài ra, duy trì lực lượng chốt chặn, tiên phong, tổ chức các phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Nếu xảy ra cháy, cần có lực lượng chỉ huy, duy trì lực lượng cần thiết để dập lửa, không cho đám cháy lan rộng và bùng phát trở lại.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã cấp tốc cử 6 đoàn công tác tham gia phòng cháy chữa cháy rừng tới các tỉnh miền Trung để phối hợp, hỗ trợ các địa phương. Cụ thể, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác này tại Thừa Thiên - Huế.

Đề phòng cháy rừng lan sang lưới truyền tải điện

Trao đổi với PLVN, ông Lê Hữu Hùng - Giám đốc Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế cho biết, vào thởi điểm này, công tác bảo đảm an toàn lưới truyền tải được cảnh giác cao độ. Các công việc như dọn hành lang tuyến, giải tỏa cây cao ngoài hành lang tuyến phải được chú trọng.

Tại khu vực hành lang tiến hành ký cam kết với chủ rừng, kiểm lâm, với có quy định không được đốt thực bì hoặc những vật dụng có thể gây cháy rừng. Ngoài ra, lực lượng Truyền tải điện còn phối hợp cùng với Công an các địa phương nơi có đường dây đi qua để bảo vệ đường dây 500kV.

“Gần đây, rừng cháy cách khoảng 3km nhưng do rừng thông, rừng tràm nhiều cộng với gió Lào rất lớn nên có thể cháy lan sang khu vực đường dây. Hiện Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế đã phối hợp các bộ phận liên quan khắc phục chữa cháy, tạo đường băng cản lửa để phòng đám cháy”, ông Hùng nói.

Đại diện Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ngày 1/7 cho hay, đã giao Ban Kỹ thuật của Tổng công ty theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, nguy cơ cháy tại các khu vực có lưới truyền tải điện, đặc biệt là đường dây siêu cao áp. Bởi nếu hệ thống này bị cháy uy hiếp thì mức độ thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Hoàng Tú

Ngọc Trìu (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/nganh-lam-nghiep-tap-trung-nhan-luc-cuu-rung-459533.html