Ngành lâm nghiệp tích cực chuyển đổi số

Trước những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), ngành lâm nghiệp đã và đang gặp phải những khó khăn trong việc phân định diện tích rừng với diện tích trồng cà phê.

Cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông qua các thông tin diễn biến rừng ở địa phương. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên.

Theo đó, để thích ứng với quy định của EU, ngành lâm nghiệp phải chú ý tới cơ sở dữ liệu để xác định chỉ số địa lý; các dữ liệu nền tảng để so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại để minh bạch được quá trình sản xuất.

Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Việc ứng dụng công nghệ số đã và đang giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) cho biết chuyển đổi số đã giúp ích rất nhiều trong quản lý và bảo vệ rừng. Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đã phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện đề tài sử dụng công nghệ viễn thám để phát hiện sớm mất rừng và suy thoái rừng. Bên cạnh đó, Vườn cũng tự phát triển phần mềm và cài đặt vào tất cả điện thoại của người quản lý, bảo vệ vừng. Phần mềm này sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình tuần tra trong rừng, đánh dấu diễn biến trong rừng đến từng gốc cây.

Còn theo TS Nguyễn Đức Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), chuyển đổi số giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lâm nghiệp nắm về trữ lượng, diện tích cũng như dự báo cháy rừng. Từ đó lập kế hoạch, xây dựng chiến lược đáp ứng yêu cầu nhanh hơn, tốt hơn.

Trong thương mại quốc tế, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nắm bắt thông tin nhanh. Ví dụ, cơ sở dữ liệu giống cây trồng sẽ cung cấp kỹ thuật, giống, thị trường và giúp minh bạch hóa thông tin của ngành, giảm thiểu tranh chấp… Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã áp dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, quá trình khai thác, vận chuyển gỗ đến nhà máy, rút ngắn thời gian giám định gỗ. Đây được xem là một bước đi chuyển đổi số rõ rệt trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lâm nghiệp cũng gặp không ít thách thức.

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cho biết, do ngành có địa bàn rộng, đa dạng đối tượng, các cán bộ, chủ rừng, người dân ở nơi xa nên khả năng tiếp cận kiến thức, bài học mới trong chuyển đổi số còn khó khăn.

Tuy vậy, ông Lượng khẳng định ứng dụng chuyển đổi số vào trong quản trị rừng, ngoài việc cung cấp thông tin chi tiết và chính xác vị trí của từng khoảnh rừng lô đất sẽ góp phần quản trị rừng tốt hơn và minh bạch hóa trong quá trình sản xuất lâm nghiệp.

“Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững mà còn liên quan đến việc phát triển bền vững một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam” - ông Lượng nói.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-lam-nghiep-tich-cuc-chuyen-doi-so-10267024.html