Ngành logistics: Giải bài toán nhân lực

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn 2017 - 2020, cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng…; năm 2025, con số này là 300.000 lao động. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – về các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ này.

Từ vị trí thứ 64 cách đây 2 năm, Việt Nam tăng 25 bậc lên vị trí thứ 39 toàn cầu trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI) năm 2018. Đây là kết quả tốt nhất của Việt Nam từ năm 2007, đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, dường như nguồn nhân lực cho ngành này vẫn thiếu và yếu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Hình minh họa

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số LPI của Việt Nam năm 2018 đã đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Hiện, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 16%. Với tốc độ như vậy, yêu cầu đối với nguồn nhân lực rất lớn. Đặc điểm của ngành logistics đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao vì liên quan đến các khâu khác nhau từ vận chuyển, lưu trữ hàng hóa; đặc biệt liên quan đến nhiều kiến thức hàng hóa, thủ tục để đưa hàng hóa đến tay khách hàng.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, các cơ sở đào tạo, cấp đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề đã quan tâm đến việc đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ logistics. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã ngành đào tạo, trong đó có mã logistics. Tương tự, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành mã như vậy.

Sau khi ban hành, một số trường đại học đã mở ra khoa logistics và bắt đầu chiêu sinh từ năm ngoái. Đây là bước tiến rất rõ, thể hiện quyết tâm dành nguồn lực riêng biệt cho công tác đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, trau dồi, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cũng là nhu cầu rất cấp thiết. Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học, sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy vậy, lực lượng giảng viên vẫn đang thiếu và mỏng nên chủ yếu là các chuyên gia từ ngành khác sang giảng dậy, khiến kiến thức truyền tải vẫn chưa nhiều. Chính vì vậy, việc thống nhất và soạn thảo ra bộ giáo trình đủ chất lượng và đáp ứng nhu cầu thực tế là vấn đề mà các trường và các cơ quan nhà nước đặt ra.

Liên tục các chương trình khởi nghiệp cùng logistics, thi tìm hiểu về logisics đã được Bộ Công Thương phối hợp với nhiều đơn vị triển khai thời gian qua nhằm “thổi lửa” cho sinh viên có đam mê về ngành dịch vụ logistics. Những hoạt động này đã mang đến kết quả ra sao, thưa ông?

Bộ Công Thương đã phối hợp với Mạng lưới đào tạo logistics tổ chức một số hoạt động và điển hình nhất là cuộc thi “Tài năng trẻ logistics Việt Nam 2018 - Vietnam Young Logistics Talents 2018”, gần đây là Tọa đàm Khởi nghiệp cùng logistics. Đây là hoạt động dành cho sinh viên, nhằm giúp lớp trẻ định hướng đúng đắn với ngành logistics và khơi dậy niềm đam mê đối với ngành logistics. Đồng thời, có định hướng nghề nghiệp, từ đó tìm hiểu khó khăn và thuận lợi khi bước chân vào ngành nghề này.

Qua những hoạt động đó, các DN cũng có thể phát hiện tìm kiếm được tài năng để tuyển dụng, giúp nâng cao mặt nhận thức của toàn xã hội đối với ngành nghề logistics...

Hỗ trợ về mặt chính sách chính là hỗ trợ lớn nhất của Bộ Công Thương đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những hỗ trợ này sẽ được cụ thể hóa thành những hoạt động ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng, trong đó có một mục riêng về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sắp tới, Bộ Công Thương có kế hoạch nhằm cải thiện chỉ số LPI, đưa thêm một số giải pháp về đào tạo nhân lực. Bằng những hành động thực tế, thông qua việc hỗ trợ cho Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam, Bộ Công Thương cùng các trường sẽ tạo ra các hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về logistics.

Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu của Quyết định 200/QĐ-TTg là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên. Để đạt mục tiêu này, nhu cầu nhân lực là rất lớn.

Phương Lan - Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-logistics-giai-bai-toan-nhan-luc-117138.html