Ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn

Đưa ra những ba thách thức mà ngành năng lượng đang gặp phải, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt, tiềm năng thủy điện chỉ còn vài nghìn MW nhỏ hoặc siêu nhỏ. Trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế trong nước rất khó.

Phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững”, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay, cách tiếp cận về tư duy an ninh năng lượng vẫn mang dáng dấp “hầu cung”. Tư duy này thay đổi.

"Phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung. Nếu để giá thấp, nền kinh tế không thể phát triển được”, ông Trần Đình Thiên chia sẻ. Đứng ở góc độ làm khoa học và quản lý khoa học, ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy có khoảng trống cần nghiên cứu, bổ sung, đề xuất để phát triển toàn diện ngành năng lượng ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quân, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, trong các Quyết định, mảng khoa học công nghệ chưa thực sự nổi bật. Các giải pháp còn chung chung. Trong 10 năm qua, số lượng đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về năng lượng tái tạo rất ít, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào công nghệ, nguồn năng lượng nước ngoài.

Ảnh minh họa

Cũng theo ông Nguyễn Quân, điện gió và điện mặt trời là 2 nguồn năng lượng tái tạo được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, những nghiên cứu chủ lực về sử dụng nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn rất ít.

Để phát triển nguồn năng lượng này, ông Nguyễn Quân đề nghị, ngành năng lượng cần làm chủ về công nghệ trong đó có nghiên cứu về công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí chế tạo. Nếu không làm chủ được công nghệ sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó đẩy giá thành lên cao, điều này sẽ khó được Chính phủ chấp nhận.

Không để thiếu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững vô cùng quan trọng. Đây là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. “Quan điểm của Chính phủ đã chỉ ra trong mọi trường hợp không để thiếu năng lượng, thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là vấn đề của xã hội”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay và nhấn mạnh, cần đặt mục tiêu “trong mọi hoàn cảnh phải đáp ứng nhu cầu năng lượng”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, ngành năng lượng đang gặp phải nhiều thách thức.

Theo đó, hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt. Tiềm năng thủy điện chỉ còn vài nghìn MW nhỏ hoặc siêu nhỏ. Năng lực sản xuất của ngành than còn rất ít. Ngành khí chỉ còn hai mỏ khí lớn là Lô B và Cá voi xanh, chỉ đủ cho nhà máy Ô môn hoạt động. Các nhà máy khác ở Phú Mỹ… phải nhập khẩu khí hóa lỏng để hoạt động.

“Giai đoạn hiện nay, việc kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế trong nước rất khó. Trong khi đó giá năng lượng thấp, không thu hút được đầu tư từ bên ngoài”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu ra những thách thức đối với ngành năng lượng.

Một thách thức nữa cũng được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đưa ra chính là yêu cầu về mặt bảo vệ môi trường. Hiện nay nhu cầu của người dân được sống trong môi trường trong sạch, ít ô nhiễm đã tạo áp lực lớn trong xây dựng quy hoạch, chính sách, phát triển năng lượng tạo.

Đứng trước những thách thức đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó chú trọng đến việc phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí.

“Trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù triển khai những dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án mới. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện do sức ép đến từ các địa phương. Đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đưa ra những thách thức mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.

“Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng”, ông Lực chia sẻ.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201808/nganh-nang-luong-viet-nam-dang-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-lon-611423/