Ngành ngân hàng ngầm ở Trung Quốc có thể là nạn nhân tiếp theo của khủng hoảng bất động sản

Các khoản thanh toán bị bỏ lỡ thời hạn của Công ty tín thác đầu tư Zhongrong Trust (Trung Quốc) xuất hiện khi thị trường bất động sản chao đảo một lần nữa. Chưa có thông tin cụ thể về gốc rễ của vấn đề tài chính ở Zhongrong Trust, nhưng năm ngoái, công ty này đã mua cổ phần ở các dự án bất động sản với kỳ vọng thị trường phục hồi. Ngoài ra, Zhongrong Trust là đơn vị liên kết của Zhongzhi Enterprise Group, tập đoàn đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (138 tỉ đô la Mỹ) và là một phần của hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banks) khổng lồ của Trung Quốc.

Tỷ lệ tài sản ủy thác bất động sản của Zhongrong Trust tăng hơn gấp đôi lên 18% vào năm 2020 từ mức 6,6% vào năm 2017. Ảnh: The Standard

Cơn suy thoái bất động sản của Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn gay cấn khác. Giữa lúc đó, sóng gió cũng đang nổi lên ở một mối rủi ro tài chính lâu năm khác: khu vực ngân hàng bóng tối khổng lồ của Trung Quốc, nơi các quỹ tín thác huy động tiền tiết kiệm của các hộ gia đình để cho vay và đầu tư ở các lĩnh vực vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.

Cuối tuần qua, ba công ty niêm yết ở Trung Quốc cho biết họ chưa nhận được khoản thanh toán từ các sản phẩm đầu tư do Công ty tín thác Zhongrong Trust quản lý. Nacity Property Service. niêm yết tại Thượng Hải, xác nhận chưa nhận được tiền gốc và tiền lãi từ sản phẩm ủy thác đầu tư của Zhongrong trị giá 30 triệu nhân dân tệ (4,2 triệu đô la Mỹ) đến hạn thanh toán vào tuần trước. Công ty vật liệu KBC Corp cũng cho biết chưa nhận được 60 triệu nhân dân tệ từ hai sản phẩm ủy thác của Zhongrong đã đáo hạn. Và nhà sản xuất công cụ Xianheng International không nhận được khoản thanh toán đến hạn từ một sản phẩm đầu tư của Zhongrong và hai sản phẩm từ một công ty tín thác đầu tư khác.

Các công ty tín thác, một phần quan trọng trong hệ thống “ngân hàng ngầm” của Trung Quốc gồm những công ty cho vay phi ngân hàng, thực hiện đầu tư thay cho khách hàng của họ. Ngoài việc quản lý tài sản được ủy thác cho họ, nhiều công ty còn bán trực tiếp các sản phẩm đầu tư sinh lời cao cho các công ty và cá nhân giàu có. Sau đó, họ đầu tư số tiền thu được vào nhiều loại tài sản khác nhau, hoặc cho các công ty hoặc dự án bất động sản vay trực tiếp, thường là những dự án không thể huy động tài chính thông thường từ các ngân hàng truyền thống hoặc thị trường trái phiếu.

Theo Hiệp hội Ủy thác Trung Quốc, ngành công nghiệp tín thác của đất nước có khoảng 2,9 nghìn tỉ đô la tài sản tính đến tháng 3. Khoảng 72% con số này bởi nằm ở các quỹ tín thác tài chính, nơi bán các sản phẩm đầu tư cho các khách hàng cá nhân và công ty giàu có.

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ của thị trường nhà đất Trung Quốc đang giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp tín thác đầu tư. Vào giữa năm 2019, khoảng 15% tài sản tín thác tài chính ở Trung Quốc được đầu tư vào bất động sản. Nhưng các vụ vỡ nợ đối với các sản phẩm đầu tư ủy thác. đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến bất động sản, tăng lên trong vài năm qua. Vì vậy, nhiều quỹ tín thác tài chính đã thu hẹp quy mô đầu tư của họ vào bất động sản. Kể từ năm 2019, mức đầu tư của họ vào bất động sản giảm 62% và hiện nay, chỉ còn 7,4% tổng tài sản tín thác tài chính của họ phân bổ cho lĩnh vực này, tính đến tháng 3-2023. Tỷ lệ 7,4% đó tương đương với 156 tỉ đô la, vẫn là con số khá lớn.

Jason Hsu, giám đốc đầu tư của Rayliant Global Advisors, cho rằng, những rắc rối của Zhongrong Trust có thể liên quan đến việc bán các sản phẩm đầu tư liên quan đến bất động sản. Zhongrong Trust đã có 270 sản phẩm đầu tư với tổng trị giá 39,5 tỉ nhân dân tệ đến hạn thanh toán trong năm nay, theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust. Lợi tức trung bình của các sản phẩm đó lên tới 6,88%, so với lãi suất tiền gửi chuẩn 1,5% ở các ngân hàng.

Zhongrong Trust không phải là công ty tín thác duy nhất gặp khó khăn. Tổng cộng có 106 sản phẩm ủy thác trị giá 44 tỉ nhân dân tệ bị vỡ nợ trong năm nay tính đến ngày 31-7, theo Use Trust. Các khoản đầu tư bất động sản chiếm 74% giá trị các vụ vỡ nợ. Năm ngoái, các công ty tín thác cũng vỡ nợ hàng tỉ đô la.

Và dù quy mô của các khoản thanh toán bị bỏ lỡ không quá lớn nhưng vẫn đáng lo ngại vì Zhongrong Trust có những bên hậu thuẫn quan trọng. Các cổ đông lớn nhất của Zhongrong Trust gồm,Jingwei Textile Machinery, một doanh nghiệp nhà nước và Tập đoàn ty quản lý tài sản tư nhân ZhongZhi Enterprise, một trong những công ty lớn nhất trong ngành.

Ngay cả khi các công ty đối thủ tìm cách giảm thiểu rủi ro, Zhongzhi và các đơn bị liên kết của nó, đặc biệt là Zhongrong Trust, đã cung cấp tài chính cho các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Họ đã mua tài sản từ các công ty bất động sản như Kaisa Group Holdings Ltd. và Shenzhen Wongtee International Enterprise Co. Và trong giai đoạn 2014-2016, Zhongrong Trust phát hành hơn 10 sản phẩm ủy thác cho Tập đoàn China Evergrande mà nay đã vỡ nợ.

Tỷ lệ tài sản ủy thác bất động sản của Zhongrong tăng hơn gấp đôi lên 18% vào năm 2020 từ mức 6,6% vào năm 2017.

Điều đó báo động những bất ổn tiếp theo trong hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc, đặc biệt là khi lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc dường như sắp chìm sâu hơn nữa.

Country Garden, một trong những nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc chưa vỡ nợ cho đế nay, đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán lãi suất coupon của hai lô trái phiếu vào tuần trước. Và bất ổn mới trong ngành công nghiệp tín thác đầu tư diễn ra trong một bối cảnh đáng ngại khác: Tháng trước, tổng các khoản cho vay của các ngân hàng ở Trung Quốc giảm về mức thấp nhất kể kể từ năm 2009.

Lĩnh vực tín thác của Trung Quốc không còn đồ sộ như trước sau cuộc chấn chỉnh của giới chức trách nhằm vào lĩnh vực ngân hàng ngầm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo trong ngành này vì đây là nơi cung cấp nguồn vốn cho những khách hàng vay tiền không đạt chuẩn để tiếp cận các ngân hàng chính thức,và có mối liên hệ mật thiết với các lĩnh vực then chốt như nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Các nhà phân tích cảnh báo, sự gia tăng vỡ nợ của các công ty tín thác, cố mối quan hệ với lĩnh vực bất động sản trong nước, sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo WSJ, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-ngan-hang-ngam-o-trung-quoc-co-the-la-nan-nhan-tiep-theo-cua-khung-hoang-bat-dong-san/