Ngành Ngân hàng tỉnh Thanh Hóa: Gắn tăng trưởng với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2019, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, hệ thống ngân hàng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, tăng trưởng khá so với tình hình chung của ngành trong cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hệ thống ngân hàng Thanh Hóa đã có những hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội. Ảnh: Lê Hiên

Năm qua, các đơn vị trong ngành đã thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính của nền kinh tế, mở rộng mạng lưới hoạt động cả về số lượng và quy mô. Từng tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng. Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Năm 2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đạt 99.500 tỷ đồng, tăng 19,94% so với cùng kỳ.

Năm 2019, để phù hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô, ngân hàng trung ương chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đầu tư tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, kinh doanh chứng khoán... Theo đó, định hướng tín dụng trên địa bàn tập trung cho các đối tượng ưu tiên, các chương trình trọng điểm của tỉnh, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn; cho vay xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; cho vay xây dựng nông thôn mới. Dư nợ tín dụng trên địa bàn tính đến 31-12-2019 ước đạt 112.850 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tăng trưởng hợp lý, tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiếm tới 86,85% tổng dư nợ.

Bên cạnh việc chú trọng công tác huy động vốn và cho vay nền kinh tế, các hoạt động dịch vụ được các TCTD rất quan tâm và phát triển thông qua việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử. Đặc biệt là việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ và Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 24-10-2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án đẩy nhanh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ, 100% ngân hàng thương mại đã thực hiện kết nối liên thông thanh toán qua mạng lưới 255 máy ATM, 915 máy POS, với gần 1,5 triệu thẻ đã được phát hành. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, mua vé máy bay, bảo hiểm, kết hợp với nhiều đối tác để phát hành thẻ đồng thương hiệu... Đưa ra những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán như: Thanh toán trên thiết bị di động, mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ..., được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua tài khoản ngân hàng.

Cùng với những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, hệ thống ngân hàng Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động trong công tác an sinh xã hội, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã dành một số tiền đáng kể, trong đó có một phần không nhỏ trích từ tiền lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên và người lao động, để tài trợ cho công tác an sinh xã hội, góp phần động viên đời sống vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, các TCTD đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như: Tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật, thương binh nặng dịp Tết Nguyên đán, ủng hộ người dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai. Xây nhà cho người nghèo, tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng trường học, trạm y tế... với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, quán triệt chỉ đạo của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong thời gian tới, ngành ngân hàng Thanh Hóa thực hiện mở rộng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát cho vay ngoại tệ). Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kết nối ngân hàng - DN, tạo thuận lợi cho các DN và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ ngân hàng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương, phấn đấu đạt mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 15-20%, nợ xấu dưới 1% tổng dư nợ. Từ đó, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thanh An

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nganh-ngan-hang-tinh-thanh-hoa-gan-tang-truong-voi-muc-tieu-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/112450.htm