Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Hướng đến phát triển bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh đang tích cực thực hiện Đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030'. Đồng thời, tích cực cải cách hành chính (CCHC) tạo đà cho thực hiện các mục tiêu đề ra.

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là điển hình cho nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm

Quyết tâm tái cơ cấu

Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành tăng khả quan theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Tuy chiếm tỷ trọng GDP không lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% dân cư khu vực nông thôn.

Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được đánh giá là một trong những chương trình thành công của ngành nông nghiệp Quảng Ninh, là điển hình cho nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm. Được triển khai từ năm 2013, đến nay, đã có 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, 25 vùng sản xuất sản phẩm OCOP được quy hoạch chi tiết. Nhiều đặc sản địa phương như chả mực Hạ Long; trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô… đã được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030” đưa ra mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống.

Cải cách hành chính là động lực

Tái cơ cấu là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai, Sở NN&PTNT cũng xác định CCHC là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện kế hoạch CCHC là một nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện CCHC tại đơn vị; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác điều hành chung của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, gắn với công tác thi đua khen thưởng.

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch CCHC giai đoạn (2016 - 2020), Sở thực hiện phổ biến, quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; coi đây là một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, sở cũng phát huy thế mạnh các phương tiện thông tin truyền thông, cổng thông tin điện tử thành phần; mạng nội bộ, kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền CCHC. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về nội dung, ý nghĩa các chỉ số CCHC đến toàn thể cán bộ, công nhân viên…

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định, trong giai đoạn đến năm 2020, duy trì tốc độ tăng trưởng khá (bình quân 6 - 8%/năm), đạt 13.387 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010).

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nganh-nong-nghiep-tinh-quang-ninh-huong-den-phat-trien-ben-vung.html