Ngành rau quả Việt chưa xứng tầm với tiềm năng

Ngành trồng trọt, chế biến hoa, rau, quả được đánh giá là một trong những ngành hứa hẹn nhất của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chế biến rau quả chỉ chiếm 2,19% số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết như trên, tại họp báo và hội thảo giới thiệu HortEx Vietnam 2019 – Triển lãm & Hội nghị quốc tế lần thứ hai về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam.

Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển rau hoa quả, kể cả rau hoa quả ôn đới và nhiệt đới. Trong những năm qua sản xuất rau quả của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh cả về diện tích và sản lượng.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình trong 15 năm qua là 28%, năm 2005 chỉ đạt hơn 300 ngàn ha, thì đến năm 2017 đạt trên 880 nghìn ha. Năm 2010, sản lượng rau quả đạt xấp xỉ 13 triệu tấn, đến 2017 đã đạt sản lượng 16,5 triệu tấn và tăng 3,53% so với năm 2016.

Đặc biệt, giá trị XK rau và hoa trong những năm gần đây có sự tăng trưởng đột biến. Với tốc độ tăng trưởng XK giai đoạn 2011 – 2016 là 32,7%/năm. Năm 2017 XK rau, hoa quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016, trong đó, XK trái cây chiếm 80%, rau hoa chiếm 20%.

Ông Sơn nhận định, với xu thế phát triển nhu cầu xã hội ngày càng cao. Dự kiến, thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Để tận dụng được tiềm năng, lợi thế, theo ông Sơn, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo các trục sản phẩm gắn với vùng miền. Cạnh đó, là việc phát triển ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dù chưa tạo được thương hiệu mạnh, nhưng sẽ tạo ra những động lực, tạo lập được một nền sản xuất có chứng nhận.

Dù vậy, ông Sơn cũng thừa nhận, thành tựu đạt được của ngành rau quả Việt vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng. Vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết. Trong đó, cùng với việc thiếu các bộ giống tốt, cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm, mới được thực hiện ở khâu làm đất, còn khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn rất yếu. Ngành công nghiệp bảo quản chế biến sau thu hoạch còn chậm phát triển, ít được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát rất lớn, chất lượng sản phẩm bị giảm rất nhiều trong quá trình lưu thông và chưa tạo ra được giá trị gia tăng trong chế biến sâu.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, khâu chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của mặt hàng rau quả. Ông Sơn cho hay, gần đây, nhiều nhà máy chế biến của các DN đã ra đời, tuy nhiên, tính chung cả nước, hiện chỉ có 145 DN chế biến rau, hoa quả, chiếm 2,19% số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình đạt 1,2 triệu tấn/27 triệu tấn sản lượng trung bình mỗi năm, như vậy, chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philipines tỷ lệ chế biến đạt 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%,...

Theo dự báo của thế giới, doanh thu của các sản phẩm rau quả chế biến được dự đoán sẽ tăng rất nhanh và sẽ đạt 317 tỷ USD vào năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 2,7% vào giai đoạn 2015-2021. Do đó, việc xu hướng gia tăng các sản phẩm rau quả từ chế biến là định hướng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này Việt Nam đang còn rất yếu.

Ông Kuno Jacobs – Giám đốc điều hành Công ty Nova Exhibitions B.V - nhận định: Sự phát triển mạnh mẽ của ngành rau hoa quả Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều DN trong và ngoài nước.

Do vậy, việc tổ chức HortEx Vietnam 2019 dành cho chuyên ngành về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam sẽ là cầu nối, điểm hẹn thương mại giữa các chuyên gia, các DN địa phương và quốc tế trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến hoa, rau, quả. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam và thế giới tìm kiếm mở rộng thị trường cả về vật tư và rau hoa quả.

So với triển lãm lần 1, Triển lãm “HortEx Vietnam 2019” sẽ tăng diện tích lên gấp đôi và đa dạng hóa các lĩnh vực, với quy mô hơn 250 doanh nghiệp tham gia trưng bày, đến từ 22 quốc gia trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu và sự tin tưởng của khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Tại chuỗi hội thảo giới thiệu triển lãm “HortEx Vietnam 2019”, khách tham dự sẽ được cập nhật các thông tin, xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, đồng thời sẽ được giới thiệu những điểm mới của triển lãm so với kỳ trước, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và các hoạt động nổi bật sẽ diễn ra tại triển lãm.

Trong bài phát biểu mới đây khi thăm một nhà máy chế biến nông sản vừa khánh thành tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nhắc lại mục tiêu trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Thực trạng ngành rau củ quả Việt Nam hiện nay mới chỉ cung cấp được khoảng 1% so với nhu cầu thế giới. Vì vậy, để đáp ứng được đơn đặt hàng của Thủ tướng, đẩy mạnh chuỗi chế biến sâu, gia tăng giá trị cho nông sản Việt là việc mà ngành nông nghiệp phải nỗ lực thực hiện.

Bộ NN-PTNT cho hay, trong năm 2018 sẽ có khoảng 8 - 9 nhà máy chế biến nông sản khánh thành, riêng tổng đầu tư vào các nhà máy rau củ quả ước khoảng 5.710 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 45% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 21,9%).

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nganh-rau-qua-viet-chua-xung-tam-voi-tiem-nang-15285.html