Ngành rượu bia và những toan tính lobby đại biểu của dân

Dù có rao giảng về trách nhiệm cộng đồng thế nào thì cái đích cuối cùng các nhà sản xuất rượu bia hướng đến vẫn chỉ là lợi nhuận.

Dự luật nhằm hạn chế tác hại của rượu bia với người dân Ireland được thông qua năm 2018 nhưng trong ròng rã 3 năm, không ít lần dự luật này bị các nhà sản xuất rượu bia hợp sức tiêu diệt. Bởi nếu dự luật được thông qua, hiển nhiên lợi ích của các hãng rượu bia sẽ bị ảnh hưởng.

Dù có rao giảng về trách nhiệm cộng đồng thế nào thì cái đích cuối cùng các nhà sản xuất rượu bia hướng đến vẫn chỉ là lợi nhuận. Họ chỉ có một mục tiêu duy nhất: duy trì, thậm chí tăng thêm mức tiêu thụ rượu bia ở người dân.

Trước khi dự luật này được thông qua, nhiệm vụ của ngành rượu bia và các nhóm vận động hành lang là xé nhỏ và làm cho nó yếu đi. Đây là một thách thức không thể tránh khỏi cho một dự luật gần như toàn vẹn, được xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu, tính toán chi tiết và đưa khuyến cáo về quy chuẩn nhãn mác, mức thuế, giá cả sản phẩm nhằm đảm bảo cả khía cạnh sức khỏe cộng đồng mà không gây quá nhiều thiệt hại cho ngành rượu bia.

Từng là người nghiện rượu và phải ra vào trung tâm cai nghiện 3 buổi/tuần trong vòng 15 tháng, hơn ai hết tôi hiểu tác hại và phiền toái mà rượu bia gây ra đối với sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội như thế nào. Một dự luật hạn chế tác hại của rượu bia là cần thiết.

Những nhà sản xuất đồ uống có cồn luôn tự đắc rằng họ đóng góp một khoản không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng khoản đóng góp đó sẽ chỉ như muối bỏ bể nếu so với tác hại rượu bia gây ra.

Bấy lâu nay, những nhà sản xuất đồ uống có cồn luôn tự đắc rằng họ đóng góp một khoản không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế.

Thực ra, khoản đóng góp đó sẽ chỉ như muối bỏ bể nếu so với tác hại rượu bia gây ra. Hơn nữa, không một nền kinh tế nào nên dựa vào ngành công nghiệp đồ uống có cồn.

Các nghiên cứu độc lập đều chỉ ra hậu quả bia rượu mà chính phủ phải gánh lên đến 2,3 tỷ euro/năm, và còn vô vàn những áp lực mà ngành y tế phải gánh chịu khi cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân liên quan đến bia rượu.

Những con số không biết nói dối. Khi bác sĩ và các nhà khoa học cùng đưa ra bằng chứng về hệ lụy bia rượu gây ra nghiêm trọng đến mức nào thì ở chiều ngược lại, với nguồn tài chính dồi dào, đội quân vận động hành lang sẵn sàng vung tiền để bằng mọi cách chôn vùi những con số thống kê này, đồng thời nỗ lực không ngừng chứng minh điều ngược lại.

Điều làm tôi băn khoăn nhất là những ảnh hưởng của rượu bia với thế hệ trẻ. Các nhóm vận động hành lang không chỉ phớt lờ những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng mà còn không màng đến bộ phận thanh thiếu niên.

Một số nghiên cứu do chính phủ khởi xướng đã chỉ ra rượu bia là nhân tố chính dẫn đến bạo hành trẻ em. Và càng ngày, độ tuổi uống rượu bia càng trẻ.

Thời còn học trung học, tôi luôn tự ti với thân hình quá khổ của mình nên có rất ít bạn. Mọi chuyện thay đổi khi năm 16 tuổi, tôi bắt đầu uống rượu và dùng nó làm phương tiện kết bạn.

Lúc đó, có thể nói rượu là con đường duy nhất để tôi hòa nhập cộng đồng. Và với cái nhìn của một đứa trẻ đang lớn, thỉnh thoảng uống rượu với tôi cũng là một cách để trông "ngầu" hơn, phong cách hơn. Không một buổi tụ tập đi chơi nào mà không có rượu. Có khi cuộc nói chuyện chỉ xoay quanh: Quán rượu nào gần nhất?

Khi bác sĩ và các nhà khoa học đều chỉ ra những hệ lụy nghiệm trọng do bia rượu gây ra thì ở chiều ngược lại, đội quân vận động hành lang sẵn sàng vung tiền để chôn vùi những con số thống kê.

Hồi đó, tôi luôn bị thu hút bởi những quảng cáo rượu bia và đón chờ các màn giảm giá, tiếp thị. Chưa kể các hãng rượu bia đầu tư khá nhiều cho những đoạn phim quảng cáo; chúng thực sự rất hấp dẫn và được chiếu ở khắp nơi.

Tình hình bây giờ cũng không khác là mấy. Quảng cáo rượu bia vẫn ở trong những khung giờ vàng, trên cả truyền hình lẫn Internet.

Quảng cáo xuất hiện, bia rượu cũng được bán tràn lan, dễ mua như bỉm tã trẻ em. Theo tôi, tất cả quảng cáo rượu bia nên bị cấm hoàn toàn sau 9 giờ tối.

Các nhà sản xuất luôn bao biện rằng rượu bia không phải chất cấm, tại sao lại phải chịu sự cấm đoán như vậy? Trước khi dự luật được thông qua, một số nhóm vận động hành lang còn cho rằng hạn chế hoạt động quảng cáo sẽ cản trở sự phát triển của nghệ thuật ở Ireland bởi các hãng rượu bia là nguồn tài trợ chính.

Nhưng tác động của quảng cáo rượu bia với trẻ em và thanh thiếu niên lớn hơn nhiều chúng ta vốn nghĩ. Và không ít quảng cáo nhắm vào phân khúc này.

Với điều kiện kinh tế còn eo hẹp, chỉ cần các hãng rượu bia tung chiêu khuyến mãi, không ít đứa trẻ như tôi trước đây sẽ lao vào như thiêu thân. Nguy hiểm nhất là chiêu mua càng nhiều, giá càng giảm.

Khi vẫn chịu sự quản thúc của gia đình, thanh thiếu niên không muốn bố mẹ bắt gặp đang “tàng trữ” nên sẽ cố uống hết chỗ rượu bia rẻ vừa mới mua được. Rất nhiều nhà khoa học khuyến cáo người dưới 18 tuổi tốt nhất là không sử dụng đồ uống có cồn.

Liệu có nên đánh đổi sức khỏe của cả cộng đồng chỉ vì lợi nhuận ngày càng phình to của ngành rượu bia?

Trong một báo cáo của Ủy ban về đồ uống có cồn và sức khỏe châu Âu, tiếp thị rượu bia, bao gồm quảng cáo, tài trợ và các hình thức quảng cáo khác kích thích thanh thiếu niên sử dụng nhiều rượu bia hơn.

Hậu quả do rượu bia để lại với trẻ em và thanh thiếu niên là vô cùng. Sự thất bại trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến rượu bia ở lứa tuổi này sẽ là sức ép cho quỹ phúc lợi xã hội.

Ngành rượu bia đang phớt lờ trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Trong khi các nhà lập pháp đang cố gắng làm những điều đúng đắn thì ngành công nghiệp rượu bia cố lái họ sai đường. Các nhóm vận động hành lang đã từng nhiều lần thắng thế khi khiến dự luật bị trì hoãn 3 năm.

Đương nhiên không thể để nhóm vận động hành lang thao túng dự luật chống tác hại của rượu bia. Liệu có nên đánh đổi sức khỏe của cả cộng đồng chỉ vì lợi nhuận ngày càng phình to của ngành công nghiệp này?

Frances Black
Illustration: Nhân Lê - Biên dịch: Hà Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nganh-ruou-bia-va-nhung-toan-tinh-lobby-dai-bieu-cua-dan-post950997.html