Ngành sách tăng trưởng đáng kể sau 7 năm thực hiện Luật Xuất bản 2012

Từ năm 2013 đến nay, lượng sách tăng 17%, đạt 441 triệu bản năm 2019. Luật Xuất bản 2012 là cơ sở để ngành sách phát triển nhưng vẫn còn những điểm cần điều chỉnh.

Sáng 25/11, Hội nghị toàn quốc sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012 diễn ra tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn cho luật.

 Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng.

Tạo nền tảng giúp phát triển ngành sách

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản) - báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012.

Nêu những kết quả đạt được, ông Nguyên khẳng định Luật Xuất bản tạo nền tảng để giải quyết thủ tục hành chính được cải tiến theo hướng đơn giản hóa. Quản lý nội dung xuất bản phẩm được quan tâm, chú trọng qua công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu.

Triển khai liên kết xuất bản theo tinh thần Luật Xuất bản được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các NXB thực hiện nhiều tác phẩm, công trình lớn, có giá trị; đồng thời góp phần để các NXB tích lũy, tăng cường nguồn lực, hình thành một thị trường xuất bản năng động.

Việc thực hiện các quy định liên quan trách nhiệm của cơ quan chủ quản có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác định hướng kế hoạch xuất bản, đăng ký nguồn sách đặt hàng hàng năm đối với NXB trực thuộc.

Bên cạnh đó, việc triển khai Luật Xuất bản trong thực tiễn còn có những hạn chế. Số lượng thủ tục hành chính còn nhiều, thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính dài, dẫn đến có thời điểm một số thủ tục thực hiện chậm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của NXB, các đơn vị liên kết xuất bản.

Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt bảo đảm các điều kiện cho nhà xuất bản trực thuộc theo quy định. Việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các NXB có lúc, có nơi chưa nghiêm. Một số NXB có sách vi phạm quy định Luật Xuất bản; không thực hiện đầy đủ quy định về quyền tác giả.

Tỷ lệ sách tự xuất bản hàng năm của các NXB giảm. Trong khi đó, một số NXB buông lỏng quản lý quy trình liên kết. Một số NXB chưa thực hiện nghiêm nộp xuất bản phẩm lưu chiểu, phát hành trước thời gian quy định.

Ở lĩnh vực in xuất bản phẩm, việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in được thực hiện đúng quy định, bảo đảm các điều kiện hoạt động. Hạn chế lĩnh vực in là tình trạng in lậu được khắc phục chậm.

Lĩnh vực phát hành, việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm được thực hiện nghiêm. Thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết xác nhận đăng ký được quy định thuận lợi. Tồn đọng nhức nhối của lĩnh vực này là hiện tượng tàng trữ, mua bán sách lậu, vi phạm bản quyền, sách có nội dung vi phạm quy định Luật Xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng.

Những vướng mắc khi thực hiện Luật Xuất bản

Tại hội nghị, nhiều đại biểu góp ý cho Luật Xuất bản năm 2012. Đa phần ý kiến đều cho rằng luật tạo cơ sở để quản lý, triển khai xuất bản, in và phát hành. Tuy vậy, một số điểm cần điều chỉnh.

Ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - nêu điểm nghẽn trong quản lý xuất bản phẩm không kinh doanh.

“Hàng ngày, tôi trực tiếp xử lý khoảng 100 hồ sơ xuất bản phẩm không kinh doanh. Tôi thấy đây là điểm nghẽn, cần có chính sách tháo gỡ. Một năm, TP.HCM giải quyết 14.000-15.000 bộ hồ sơ xuất bản phẩm không kinh doanh, đều là xử lý tay”, ông Từ Lương nói.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cùng quan tâm vấn đề phát hành sách trên mạng Internet. Trong đó, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị bổ sung quy định về địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm trên mạng.

Ông Từ Lương - đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - nêu vướng mắc trong thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu, xuất bản phẩm không kinh doanh. Ảnh: Phạm Thắng.

“Thực tế hiện nay, kinh doanh online chiếm tỷ trọng lớn, kèm theo các chương trình kinh doanh khác, ví dụ sách phát hành cùng sản phẩm thương mại”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nói.

Vị đại diện này đề nghị xem xét, bổ sung, điều chỉnh, hướng dẫn các quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên môi trường không gian mạng Internet.

Ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học - cho rằng quy định thời gian đăng ký xuất bản 7 ngày như hiện nay chưa phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đột xuất, ảnh hưởng tiến độ, thời cơ xuất bản và phát hành xuất bản phẩm ra thị trường.

Về hạn nộp lưu chiểu 10 ngày trước khi phát hành, theo người đứng đầu NXB Văn học, thời gian này là quá dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm của NXB và đối tác liên kết.

Kết luận hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định qua 7 năm thực hiện Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật, ngành sách “có những tăng trưởng đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, trước xu thế mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng như cải tiến, thay đổi về chính sách pháp luật, những biến đổi của thực tiễn diễn ra trong 7 năm qua, Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật đã bộc lộ bất cập, hạn chế cần được xem xét, tổng kết và nghiên cứu, đề xuất phương hướng hoàn thiện trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị sau hội nghị, các cơ quan cần đánh giá khách quan, toàn diện, góp ý phải cụ thể, dựa trên số liệu chi tiết. Từ đó, các góp ý được báo xáo để xem xét, trình xem xét sửa đổi Luật Xuất bản 2012.

Luật Xuất bản được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Để tiến hành sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch gửi các bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, các UBND tỉnh, thành phố, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, nhà xuất bản (NXB), cơ sở in và phát hành.

Đã có 9 bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố, 32 cơ quan chủ quản nhà xuất bản và 82 đơn vị là các NXB, cơ sở in, cơ sở phát hành tổ chức tổng kết, gửi báo cáo đánh giá kết quả thực hiện luật xuất bản.

Ảnh: Phạm Thắng

Tần Tần

Ảnh: Phạm Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-sach-tang-truong-dang-ke-sau-7-nam-thuc-hien-luat-xuat-ban-2012-post1156522.html