Ngành sầu riêng còn nhiều mối lo

Ngành sầu riêng có doanh thu xuất khẩu hàng tỉ USD nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn do phát triển quá nóng

Chiều 10-5, tại TP HCM, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững với sự tham gia của Sở NN-PTNT các tỉnh, các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội ngành hàng liên quan đến sầu riêng.

Tăng trưởng quá nóng

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích sầu riêng của cả nước đạt hơn 150.000 ha vào năm 2023, với khoảng 76.000 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, bình quân tăng 15%/năm nên khi toàn bộ diện tích sầu riêng trồng đi vào thu hoạch, sản lượng sẽ rất lớn. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.

Sầu riêng đang vào vụ chính thu hoạch .Ảnh: AN NA

Tuy nhiên, đại diện các địa phương lại nói rất khó kiểm soát nông dân chuyển đổi từ cây trồng khác sang sầu riêng khi giá đang cao như hiện nay. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nói nông dân chuyển đổi từ mít, nhãn sang sầu riêng rất nhiều và diện tích hiện tại đã hơn 20.000 ha, vượt quy hoạch đến năm 2025 của tỉnh. "Chúng tôi cố gắng vận động nhà vườn không chuyển đổi sang trồng sầu riêng nhưng rất khó khăn vì lợi nhuận từ loại quả này rất lớn, thời điểm trái vụ giá lên đến 190.000 - 200.000 đồng/kg" - ông Nam nêu thực tế.

Cũng theo ông Nam, hiện là thời điểm chính vụ, giá sầu riêng Ri 6 ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, Dona 60.000 - 70.000 đồng/kg, tuy có giảm nhưng cao hơn bình quân các năm và hiệu quả kinh tế vẫn còn rất tốt. "Về tình trạng thu hái sầu riêng non, có nguy cơ ảnh hưởng uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, chúng tôi rất muốn xử lý nhưng hiện tại chưa có quy định nên không thể xử phạt được mà chỉ khuyến cáo. Đề nghị Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ tuổi thu hoạch sầu riêng để làm cơ sở xử lý" - ông Nam đề xuất.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh có diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước, với 50% trồng xen trong những cây trồng khác. "Tuy nhiên, diện tích sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc còn quá ít, chưa theo kịp nhu cầu. Chúng tôi đã trình rất nhiều hồ sơ nhưng vẫn chưa được cấp. Nếu không đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sầu riêng khi vào mùa thu hoạch năm 2024. Chúng tôi đi học tập tại Thái Lan, thấy họ có đến 80% diện tích đã được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc trong khi chúng tôi chỉ mới có 10%" - ông Côn lo ngại.

Ông Côn cũng kiến nghị Việt Nam sớm mở cửa sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và sầu riêng tươi sang Ấn Độ. Theo ông Côn, khách hàng Ấn Độ phản ánh sầu riêng Việt Nam quá ngọt và có mùi hắc so với thị hiếu tiêu dùng tại quốc gia này nên góp ý Việt Nam cần có những giống sầu riêng ít ngọt, nhẹ mùi hơn.

Nhiều vấn đề cần chấn chỉnh

Theo thống kê, xuất khẩu sầu riêng đã có bước nhảy vọt trong 3 năm qua khi đạt mức 2,24 tỉ USD năm 2023 từ mức 178 triệu USD năm 2021. Thế nhưng, đại diện cộng đồng DN, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, phản ánh nhiều DN đã mất hàng trăm tỉ đồng, có DN phá sản vì có nhiều DN mới tham gia khiến thị trường hỗn loạn. "Họ chưa có liên kết vùng trồng nhưng lại vào trả giá cao khiến nông dân hủy hợp đồng với DN trước khiến các DN thua lỗ" - bà Vy dẫn chứng.

Là DN có đầu tư tại Thái Lan, bà Vy cho hay nước này quản lý sầu riêng rất chặt chẽ, nông dân là người trực tiếp làm hồ sơ mã số vùng trồng. Thái Lan cũng có hệ thống dữ liệu để nông dân khai báo về thời gian thu hoạch, nếu thu hoạch thực tế sớm hoặc trễ hơn phải có giải trình. Điều này giúp giảm 50% số lượng sầu riêng cắt non. Vào mùa thu hoạch, cảnh sát Thái Lan vào cuộc kiểm soát ngăn chặn tình trạng thu hái non giúp chất lượng sầu riêng Thái Lan được bảo đảm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ ra tình trạng hái sầu riêng non là do "thợ gõ" và thương lái thu mua tại vườn. Do đó, cần có biện pháp quản lý đội ngũ này.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung thừa nhận sầu riêng Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh lớn tại thị trường Trung Quốc khi cả 4 nguồn cung lớn gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều hướng đến thị trường này.

Giải pháp mà ngành nông nghiệp đề ra bao gồm nghiên cứu bộ giống sầu riêng thích hợp với yêu cầu của các thị trường, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sầu riêng và tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng. Đặc biệt, ông Hoàng Trung yêu cầu toàn bộ chuỗi ngành hàng sầu riêng phải tuân thủ quy định thị trường và hạn chế vi phạm. "Với những vi phạm về dịch hại, phía bạn có thể cho thời gian khắc phục nhưng vi phạm về an toàn thực phẩm, họ có thể ngừng nhập khẩu ngay mã số đó, gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành" - ông Hoàng Trung khuyến cáo.

Doanh nghiệp trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam lạc quan

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra ngày 10-5, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia (HAGL), thông tin HAGL hiện có hơn 2.000 ha sầu riêng, được trồng từ 1-5 năm. Nơi trồng nhiều nhất là Lào, thu hoạch vào tháng 11 hằng năm, là thời điểm nghịch vụ tự nhiên nên công ty tự tin bán được giá cao vì giá thành chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Ông Đức tự tin HAGL là DN sở hữu diện tích sầu riêng lớn nhất tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2024 sẽ có khoảng 300 - 400 ha sầu riêng cho trái, dự kiến tăng lên 1.000 ha vào năm 2025, đưa lại nguồn thu đáng kể cho DN.

NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nganh-sau-rieng-con-nhieu-moi-lo-19624051021581535.htm