Ngành sư phạm thu hút thí sinh giỏi

Để thu hút những học sinh ưu tú vào ngành sư phạm, các trường đại học đang mở rộng phương thức tuyển sinh và chính sách học bổng hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo mà nhà trường cung cấp và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Là một trong những trường trọng điểm về đào tạo giáo viên trong cả nước, năm 2024, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực), kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Năm nay, trường mở thêm hai ngành học mới là Sư phạm Lịch sử-Địa lý và Khoa học tự nhiên trình độ đại học. Thí sinh trúng tuyển khi nhập học tại nhà trường sẽ được xem xét cấp học bổng và các quyền lợi khác.

Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Để thu hút học sinh khá, giỏi, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã đầu tư cho công tác quảng bá tuyển sinh. Bên cạnh hình thức trực tuyến, tổ công tác tuyển sinh của các khoa chuyên môn cùng các phòng chức năng của nhà trường đến tận các trường phổ thông để tiếp xúc với học sinh. Trường cũng xây dựng phương án tuyển thẳng dành cho các học sinh có thành tích học tập cao ở các trường chuyên, học sinh đoạt giải cấp quốc gia... Phương án này không chỉ tạo điểm nhấn đầu vào mà còn hứa hẹn cho sản phẩm đầu ra mũi nhọn của nhà trường. Cùng với đó, trường đưa ra các giải pháp để tìm kiếm việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường.

Để mở rộng nguồn tuyển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng mở thêm một số ngành đào tạo mới. Trong đó, có ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, dự kiến tuyển 66 chỉ tiêu. Ngành học được đầu tư nhiều cho phần kiến thức tích hợp và học phần riêng về ứng dụng công nghệ thông tin. Hằng năm, trường dành 5-6 tỷ đồng làm quỹ học bổng cho sinh viên. Các sinh viên có điểm trúng tuyển cao được xét, chọn trao học bổng vào đầu khóa học....

Cần những chính sách trọn vẹn

Số lượng cũng như chất lượng học sinh đăng ký vào ngành sư phạm sẽ tác động lớn đến đội ngũ giáo viên và nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai. Do đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được đánh giá là chính sách thiết thực nhằm phát triển và bảo đảm nhân lực cho ngành giáo dục. Sau 3 năm thực hiện, kết quả đã rõ ràng. Số lượng thí sinh và phụ huynh quan tâm đến các ngành đào tạo giáo viên tăng lên đáng kể. Mùa tuyển sinh năm 2023 chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục của các trường khối ngành sư phạm, khi mức điểm chuẩn hầu hết đều dao động từ 23 đến 28 điểm trở lên.

Theo TS Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, số lượng thí sinh đăng ký tăng đã mang lại nguồn tuyển sinh dồi dào cho trường. Điều quan trọng hơn, việc thu hút những sinh viên có khả năng học tập xuất sắc vào ngành giáo viên là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Em Đoàn Văn Tráng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Chính sách về hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút sinh viên đến với nhóm ngành học này. Điều đó tạo điều kiện để sinh viên an tâm học tập”.

Như vậy, ngoài việc miễn 100% học phí, hiện sinh viên sư phạm là đối tượng được ưu đãi khá nhiều so với các ngành khác. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo có thêm nhiều lựa chọn, song cũng đặt ra những đòi hỏi cao hơn trong việc cải thiện chất lượng đào tạo, nhằm thu hút thí sinh một cách bền vững. Đặc biệt là thu hút thí sinh giỏi theo đuổi ngành đặc thù này. Tuy nhiên, nhiều trường, địa phương vẫn gặp phải những vấn đề trong việc thực thi Nghị định 116 và cần có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, Nghị định 116 về lâu dài sẽ không đủ sức hút để học sinh thi vào ngành sư phạm nếu không bảo đảm đầu ra. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo sư phạm đã triển khai các hoạt động nhằm giúp sinh viên sớm tiếp cận cơ hội việc làm.

TS Hướng Xuân Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội cho biết: “Bên cạnh kiến thức chuyên ngành hiện đại, sinh viên của trường có nhiều cơ hội tham gia các nhóm nghiên cứu chất lượng cao, thực tập tại nhiều doanh nghiệp. Ngày hội việc làm năm 2023 trở thành cầu nối quen thuộc giữa các nhà tuyển dụng với sinh viên, định hướng sớm cho sinh viên và tạo cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ra trường”.

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cho thấy chính sách thu hút đầu vào đã bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên, chính sách này chỉ là điều kiện cần. Ngành sư phạm sẽ hấp dẫn và bền vững hơn nếu có thêm các chính sách mới để giải quyết những khó khăn của giáo viên. Một chính sách trọn vẹn từ gốc đến ngọn chắc chắn sẽ giúp cho chất lượng đầu vào và đầu ra của ngành sư phạm ổn định, theo kịp sự phát triển của xã hội.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nganh-su-pham-thu-hut-thi-sinh-gioi-5003911.html