Ngành Tài Chính đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2018

- Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính tinh gọn, hiệu quả; Chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2018 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra; Thị trường Tài chính, thị trường chứng khoán phát triển tốc độ cao, ổn định... là những sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong năm 2018.

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực được giao quản lý và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, thu NSNN ước vượt 7,8% dự toán, đạt tỷ lệ động viên so GDP khoảng 25,7%, trong đó thuế, phí đạt trên 21,1%; cả thu ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đều vượt dự toán; nhờ đó đảm bảo các nhiệm vụ chi và có thêm nguồn để xử lý các nhu cầu quan trọng, cấp thiết phát sinh. Công tác quản lý, điều hành chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Bội chi NSNN được giữ trong phạm vi Quốc hội quyết định; quản lý nợ công diễn biến tích cực, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn, giảm chi phí vay, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý rủi ro đối với nợ công được xây dựng phù hợp và tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế, đảm bảo các giới hạn an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Bộ Tài chính giữ vững vị trí tốp đầu các Bộ ngành về cải cách hành chính

Tháng 5/2018 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố bảng xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) năm 2017, theo đó, Bộ Tài chính xếp thứ 3 (trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) với số điểm 84,42% cùng nhiều chỉ số thành phần tích cực, thấp hơn cơ quan đứng thứ 2 chưa tới 2%.

Đáng chú ý, công tác CCHC, trọng tâm là kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện. Tính từ năm 2016 đến ngày 02/10/2018, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 888 TTHC. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2141/QĐ-BTC phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó rà soát cắt giảm 148 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC thuộc 13 lĩnh vực.

Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính tinh gọn, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Bộ Chính trị, toàn ngành Tài chính đã tập trung kiện toàn, đổi mới và sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 536 đầu mối; cũng như tinh giản được 601 biên chế, đạt 112% kế hoạch tinh giản biên chế theo Đề án (538 biên chế).

Ngoài ra, đã cắt giảm 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 3.488 chỉ tiêu biên chế (gần 4,7%) so với biên chế được giao năm 2015.

Chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường

Năm 2018, Quốc hội đã đề ra mục tiêu lạm phát (CPI) bình quân ở mức khoảng 4%. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành bám sát tín hiệu thị trường, phối hợp một cách linh hoạt, hiệu quả để chủ động có các phương án điều hành giá phù hợp, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trong những lúc mặt bằng giá có các biến động bất thường.

Kết quả, lạm phát năm 2018 ở mức bình quân cả năm là 3,54% đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra dưới 4% và cung cầu hàng hóa trên thị trường được đảm bảo.

Triển khai hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn đã tiết kiệm chi phí vay, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất.

Với việc sử dụng NQNN cho NSTW vay thay cho phát hành TPCP ra thị trường đã tiết kiệm được gần 1.600 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của NSNN. Nếu so với năm 2017, chi phí vay năm 2018 giảm, giúp tiết kiệm cho NSNN gần 2.500 tỷ đồng trả lãi hàng năm.

Các chỉ tiêu cơ bản về huy động vốn đạt được như sau: Kỳ hạn phát hành bình quân 12,69 năm (tương đương năm 2017); lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh còn 4,71%/năm (giảm 127 điểm so với năm 2017); kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP cuối năm đạt 6,83 năm (tăng 0,12 năm so với năm 2017), góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Thị trường Tài chính, thị trường chứng khoán phát triển tốc độ cao

Năm 2018, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua những biến động khá mạnh, xu hướng giảm điểm lan tỏa tại hầu hết các thị trường chứng khoán, tuy nhiên, nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô, các chính sách phát triển thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018 cũng là năm chỉ số VN-Index có lúc đã đạt đỉnh 1.204,33 điểm.

Tính đến ngày 28/12/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. Thị trường chứng khoán Việt Nam dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chi phí tuân thủ thực hiện các thủ tục hành chính về thuế xếp thấp thứ nhất

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2018 (APCI 2018) của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính về thuế là thấp nhất trong 8 nhóm thủ tục được đánh giá với chi phí tuân thủ chỉ 73,7 nghìn đồng, chỉ tương đương với 0,58% chi phí tuân thủ trung bình của 8 TTHC được khảo sát và 0,1% chi phí tuân thủ của nhóm cao nhất.

Báo cáo APCI 2018 cũng đánh giá nhóm TTHC hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3/8 nhóm TTHC), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm TTHC (xấp xỉ 12,7 triệu đồng).

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201901/nganh-tai-chinh-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-nam-2018-624483/