Ngành Tài chính: Giảm bộ máy, đảm bảo không giảm chất lượng công việc!

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận về cải cách hành chính, việc thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy cũng đang được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đạt được kết quả đáng kể. Sau một thời gian tiến hành thực hiện, về cơ bản không gây xáo trộn hoạt động của các đơn vị; hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo. Đặc biệt, các thủ tục liên quan đến người dân, DN tiếp tục được các đơn vị trong ngành Tài chính duy trì ổn định và cải tiến theo hướng tạo thuận lợi hơn.

Sau khi sắp xếp, bước đầu các Chi cục Thuế khu vực đã từng bước ổn định tổ chức và hoạt động bình thường. Ảnh: Nguyễn Huế.

Cắt giảm 3.000 đầu mối

Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô quản lý rộng lớn theo quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Ngoài 20 vụ, cục chuyên môn và 9 đơn vị sự nghiệp, Bộ Tài chính còn quản lý 5 tổng cục và tương đương trực thuộc với 4 tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, 183 cục địa phương, hơn 1.700 Chi cục và tương đương, hơn 5.700 tổ/đội thuộc Chi cục và tương đương.

Triển khai Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, kết quả từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã cắt giảm khoảng 3.000 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ/đội tại địa phương, trong đó giảm 180 đầu mối cấp phòng và tương đương; khoảng 2.800 đầu mối cấp tổ/đội. Số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm từ 35 đơn vị vào cuối năm 2016 xuống còn 28 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.

Cùng với đó, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp các đơn vị của Ngành theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm cấp trung gian, thống nhất nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện. Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 53 chi cục và tương đương thuộc Cục tại địa phương. Cụ thể: Đã giải thể 1 chi cục hải quan; hợp nhất, sáp nhập 10 chi cục dự trữ nhà nước thành 5 chi cục; giải thể 43 phòng giao dịch trực thuộc Kho bạc Nhà nước các tỉnh; hợp nhất 7 chi cục thuế thành 3 chi cục thuế khu vực; cắt giảm 357 tổ/đội và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục địa phương. Không những thế, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế để tổ chức hoạt động theo khu vực, đảm bảo đến năm 2020 giảm còn 420 chi cục thuế; tổ chức lại các đơn vị cấp phòng thuộc Cục thuế địa phương.

Đánh giá về nỗ lực của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Quá trình chủ động sắp xếp của Bộ Tài chính là đúng hướng, theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Bộ Tài chính có thể coi là một trong những bộ, ngành đi đầu và chủ động trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy; cũng có thể ví là “một đầu tàu kéo quá trình này tăng tốc”. Theo ông Phong, đây là hướng đi đúng, bởi nếu chỉ tinh giản biên chế, giữ nguyên bộ máy thì sau này có thể sẽ lại lấy người lấp đầy vào bộ máy ấy. Khi bộ máy được tinh gọn, sau đó giảm dần biên chế, sẽ giải quyết căn bản tình trạng bộ máy dư thừa.

Ông Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý: Khi giảm đầu mối phải nghĩ đến việc đảm bảo chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lời giải chính là Chính phủ điện tử, điện tử hóa các quy trình, thủ tục và áp dụng cơ chế một cửa. Hiện nay, công tác kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện nhiều thủ tục khác của ngành Tài chính đã được tiến hành theo phương thức điện tử. Đây là phương thức hỗ trợ cho việc tinh gọn bộ máy, cũng như giảm bớt nhũng nhiễu, tiêu cực khi cán bộ, công chức không tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. “Nói cách khác, khi bớt người, bớt đầu mối thì phải nâng chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trong quá trình tinh giản biên chế, trong 3 người chọn 1 người giỏi nhất vào một vị trí, thì rõ ràng năng lực phục vụ sẽ tăng. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, cần phải tiếp tục tiến trình hiện đại hóa và nâng cao chất lượng từng vị trí việc làm” – ông Phong nói.

Coi trọng hiệu quả công việc

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện giảm các cục, chi cục, tổ/đội và tương đương của các tổng cục và tương đương; giảm tối thiểu 10% biên chế toàn Ngành so với năm 2015. Theo đó, đối với khối các tổng cục trực thuộc, đặc biệt là các tổng cục có hệ thống tổ chức ngành dọc như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho Bạc, Dự trữ... Bộ Tài chính dự kiến kiện toàn, sắp xếp nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, giảm cấp trung gian, tăng cấp tác nghiệp trực tiếp; tiếp tục rà soát thực hiện cơ cấu cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc và Dự trữ Nhà nước cấp chi cục hoạt động theo khu vực.

Cụ thể, đối với hệ thống Thuế, dự kiến sẽ thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục); năm 2019, dự kiến sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm 28 chi cục thuế). Năm 2020, dự kiến cắt giảm, thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm 90 chi cục)... Về tinh giản biên chế, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021, mỗi năm, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm tối thiểu 1,77% biên chế được giao, đảm bảo giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015.

Đối với khối các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính cũng đang triển khai sáp nhập 5 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục vào Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính. Trước mắt, trong giai đoạn 2018- 2020, sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ 2 đến 3 đơn vị, đến năm 2021 sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở còn lại.

Chia sẻ về những giải pháp để đạt mục tiêu nói trên, ông Phạm Đức Thắng – quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng và hành động trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo công bằng, khách quan, coi hiệu quả công việc làm yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện gắn cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình, nghiệp vụ, hiện đại hóa ngành với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; lấy kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. “Trong quá trình đó, Bộ Tài chính rất mong nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành” – ông Thắng nói.

Theo đánh giá của các đơn vị trong ngành Tài chính, sau một thời gian tiến hành thực hiện kiện toàn, sắp xếp bộ máy, về cơ bản không gây xáo trộn hoạt động của các đơn vị; hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo. Đặc biệt, các thủ tục liên quan đến người dân, DN tiếp tục được các đơn vị duy trì ổn định và cải tiến theo hướng tạo thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan): Đến năm 2021, Tổng cục Hải quan sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế

Thời gian qua, việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan được thực hiện tổng thể, đồng bộ trong toàn hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan. Trong quá trình sắp xếp luôn bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau sắp xếp, kiện toàn lại các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Hải quan đã được triển khai gắn với đổi mới về phương thức lãnh đạo, điều hành và việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn quản lý; đồng thời, việc sắp xếp tổ chức bộ máy được gắn với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Tổng cục Hải quan.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại Đội (Tổ) thuộc Chi cục Hải quan và tương đương của 35/35 Cục Hải quan và Cục Kiểm định Hải quan, giảm được 239 Đội (Tổ), đạt trên 30% số Đội (Tổ) toàn ngành.

Kết quả bước đầu thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cấp Đội (Tổ) tại các chi cục hải quan cho thấy, cơ bản giải quyết được sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của cấp Đội (Tổ), qua đó đã phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Thời gian tới, việc sắp xếp lại cấp chi cục và cấp cục hải quan cũng đã được xây dựng lộ trình rõ ràng. Theo đó, với cấp chi cục hải quan và đơn vị tương đương Tổng cục Hải quan đang tiến hành rà soát, báo cáo Bộ Tài chính phương án sắp xếp lại theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 2015/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Đến quý I/2019 sẽ giảm tối thiểu 10 chi cục hải quan theo Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ được ban hành kèm theo Quyết định 444/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với cấp cục hải quan tỉnh, thành phố, trong quý I/2020, sẽ thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cục hải quan theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 36/2015/NĐ-CP ngày 17/4/2015 của Chính phủ quy định tiêu chí thành lập cục hải quan; tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hải quan các cấp.

Mục tiêu đến năm 2021, ngành Hải quan sẽ thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế toàn ngành so với năm 2015, tương ứng mỗi năm giảm 1,5%, gắn tinh giản biên chế với sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.

Thu Trang (ghi)

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-tai-chinh-giam-bo-may-dam-bao-khong-giam-chat-luong-cong-viec.aspx