Ngành Tài chính qua góc nhìn của các đối tác phát triển

Đồng hành cùng Bộ Tài chính trong quá trình phát triển của Việt Nam có sự đóng góp tích cực của các đối tác phát triển quốc tế.

Hệ thống thông quan tự động do JICA cùng các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ Tổng cục Hải quan triển khai góp phần tích cực vào hiện đại hóa hải quan, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hệ thống thông quan tự động do JICA cùng các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ Tổng cục Hải quan triển khai góp phần tích cực vào hiện đại hóa hải quan, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thông qua Bộ Tài chính, các khoản hỗ trợ của các đối tác này đã thực sự thể hiện vai trò hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới góc nhìn của các đối tác phát triển quốc tế, Bộ Tài chính luôn là một đối tác tin cậy, hợp tác chặt chẽ. TBTCVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến.

* Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác tin cậy

Ông Jacques Morisset

Năm 2019, chúng tôi kỷ niệm 25 năm ngày Ngân hàng Thế giới (WB) mở văn phòng chính thức tại Hà Nội. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, WB là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy với Chính phủ Việt Nam. Với Bộ Tài chính, mức độ hợp tác tương tự cũng được thể hiện rất rõ, thông qua cả hoạt động cho vay, công tác phân tích và tư vấn.

WB đã hỗ trợ Bộ Tài chính một số hoạt động, trong đó nổi bật là Dự án Đổi mới quản lý tài chính công nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính công bằng cách số hóa việc quản lý thông tin thực hiện nhiệm vụ ngân sách từ Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Dự án cũng giúp tăng cường năng lực của Bộ Tài chính trong việc lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo ngân sách, đồng thời cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các hệ thống và quy trình ngân sách. Dự án đã tạo ra hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc của Việt Nam (TABMIS).

Đây là hợp phần nổi bật nhất trong hợp tác giữa WB và Bộ Tài chính. Hệ thống TABMIS đã đi vào hoạt động trong cả nước từ năm 2012, giúp quản lý thông tin thực hiện nhiệm vụ ngân sách từ trung ương tới địa phương. Có thể nói TABMIS là một trong những hệ thống quản lý tài chính của chính phủ lớn nhất trên thế giới. TABMIS đã chứng tỏ hiệu quả của mình đối với chính quyền các cấp, nhất là trong những giai đoạn ngân sách gặp khó khăn. Nhờ hệ thống này mà mức độ minh bạch tài khóa trong nội bộ đã được cải thiện đáng kể giữa cấp trung ương và địa phương; nhằm hỗ trợ việc quyết định kịp thời và quản lý ngân sách, tiền mặt và cam kết thanh toán hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, WB còn hợp tác với Bộ Tài chính trong một số hoạt động phân tích chung, bao gồm: Đánh giá chi tiêu công (PER), Chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) và báo cáo về việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy tắc (ROSC). Các dự án này đã giúp tăng cường chính sách tài khóa và quản lý, đưa đến nhiều thay đổi trong khuôn khổ pháp lý theo hướng thông lệ quốc tế tốt như: Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Kế toán 2015 và Luật Quản lý nợ công 2017.

Hiện tại, WB đang cung cấp một số dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính nhằm tăng cường quản lý về chính sách thuế, quản lý nợ, quản lý chi tiêu và minh bạch tài khóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tất cả các dự án nêu trên đều góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ và hoạt động của tài chính công ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ Bộ Tài chính, WB đã huy động nhiều quỹ ủy thác khác nhau do Ban Thư ký Các vấn đề Kinh tế Thụy Sĩ, Bộ Các vấn đề Toàn cầu của Canada và Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Hỗ trợ bao gồm các lĩnh vực: quản lý chi tiêu và minh bạch tài khóa, quản lý nợ, chuẩn bị Chiến lược thu ngân sách trung hạn và thuế quốc tế, quản lý thuế.

Đại dịch Covid-19 gần đây đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể và làm tổn hại đến sức khỏe tài chính của đất nước. Việt Nam muốn phục hồi sau hậu quả Covid-19 và quay trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng, điều quan trọng là chính sách tài khóa cần tiếp tục được quản lý chủ động và hiệu quả hơn. WB đã thảo luận với Bộ Tài chính về hỗ trợ tài chính và các đề xuất chính sách để giúp Việt Nam phục hồi, thậm chí tận dụng lợi thế của cuộc khủng hoảng để vượt lên.

Nhưng sự hợp tác giữa Bộ Tài chính và WB còn mở rộng hơn thế. Bộ Tài chính đang đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp vốn ODA cho Việt Nam và chúng tôi đang bắt đầu thảo luận về các dự án xương sống sắp tới cho năm tài chính này, bao gồm cả các hoạt động hỗ trợ ngân sách tiềm năng nếu Chính phủ yêu cầu. WB mong muốn tiếp tục hợp tác tin cậy với Bộ Tài chính và Chính phủ Việt Nam.

* Ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam :

AFD đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và mang tính xây dựng của Bộ Tài chính

Ông Fabrice Richy

Việt Nam nằm trong số các nước hàng đầu về thụ hưởng nguồn tài trợ của AFD, bao gồm cả các khoản tài trợ dành cho Chính phủ và các khoản tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp Nhà nước. Là nhà tài trợ đầu tiên xác định một chiến lược tài trợ “100% vì Thỏa thuận Paris”, AFD có mặt tại Việt Nam từ hơn 25 năm nay và đã cam kết tài trợ cho 93 dự án với tổng mức tài trợ lên tới hơn 2,1 tỷ EUR.

Phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam và yêu cầu của các đối tác địa phương, hoạt động tài trợ của AFD ở Việt Nam hướng tới một mục tiêu tổng quan duy nhất: “Hỗ trợ cho Việt Nam đi theo quỹ đạo tăng trưởng xanh và có khả năng chống chịu, phục hồi trước biến đổi khí hậu”. Xuất phát từ mục tiêu tổng quan này, AFD xác định 3 định hướng hợp tác chính: chuyển tiếp năng lượng; tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi của các địa phương và đô thị với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu; hỗ trợ cho lớp trẻ.

AFD rất vui mừng với mối quan hệ đối tác tin tưởng lẫn nhau mà AFD đã xây dựng từ lâu với Bộ Tài chính. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và mang tính xây dựng với Bộ Tài chính, vốn là cơ quan chủ chốt của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Năm 2018, AFD đã ký kết một bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính, nhằm củng cố cho mối quan hệ đối tác này và góp phần tăng cường năng lực cho Bộ về quản lý tài chính công. Bộ Tài chính là đối tác chính của AFD trong việc thương thảo mọi thỏa ước tài trợ của AFD ở Việt Nam. AFD cũng luôn hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Tài chính nhằm xác định chương trình hoạt động tài trợ của AFD trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, trong đó ưu tiên cho các dự án tùy theo khả năng vay nợ của các tỉnh thụ hưởng và những cơ chế cho vay lại cho các tỉnh do Bộ Tài chính xác định.

Các khoản vay của AFD được coi là ODA theo các chuẩn mực của Việt Nam, do vậy các triển vọng hợp tác trong tương lai là rất hứa hẹn, đặc biệt là với khoảng 12 tỉnh đã gửi tới AFD các đề xuất dự án phát triển nhằm tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Sự hỗ trợ của Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò thiết yếu để các dự án này có thể được cụ thể hóa.

* Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam:

Sát cánh với Bộ Tài chính thực hiện nhiều cải cách thể chế quan trọng

Ông Shimizu Akira

JICA đã và đang hợp tác với Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) được thiết kế phù hợp theo các giai đoạn phát triển của nền kinh tế trong hơn 28 năm qua, đặc biệt tập trung vào cải cách và hiện đại hóa quản lý tài khóa và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Chúng tôi đã thực hiện một loạt HTKT về quản lý tài chính công dưới dạng dự án hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại, ví dụ như cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa hải quan. Một trong những hợp tác thành công nhất có thể kể đến là JICA, với sự đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản, đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan nghiên cứu, phát triển và đưa vào vận hành thành công Hệ thống thông quan tự động (VNACCS) và Hệ thống thông tin hải quan (VCIS) từ tháng 4/2014. VNACCS/VCIS được xây dựng theo mô hình hệ thống công nghệ thông tin Hải quan Nhật Bản, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt. Khoảng 99,9% tổng số tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa được xử lý trên hệ thống VNACCS/VCIS thay vì hồ sơ giấy mất nhiều thời gian. Ấn tượng là, đối với hàng hóa luồng xanh (có phân loại rủi ro hải quan thấp), việc thông quan gần như “ngay lập tức” sau khi hệ thống tiếp nhận tờ khai đã hoàn thành. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam, vì trong những năm gần đây, Hải quan Việt Nam mỗi năm phải xử lý thông quan cho lượng hàng hóa có giá trị lên tới khoảng 200% GDP. Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp mang lại những tác động đáng kể không chỉ cho hiện đại hóa hải quan mà còn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống này còn là một hợp phần quan trọng của hệ thống một cửa quốc gia, và sẽ đóng góp vào chiến lược chính phủ điện tử trong tương lai.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong những hợp tác với Bộ Tài chính. Hiểu theo nghĩa rộng, JICA hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường và công nghiệp hóa vào năm 2020, thông qua các hoạt động tích cực và cộng tác chặt chẽ với các đối tác phát triển khác. JICA đã sát cánh với Bộ Tài chính thực hiện nhiều cải cách thể chế quan trọng trong các khuôn khổ chính sách của Chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC); Chương trình Tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC); dự án “Tăng cường năng lực quản lý tài chính doanh nghiệp triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”…

Phù hợp với các hoạt động hợp tác trong thời gian vừa qua, từ tháng 4/2019, chúng tôi đã triển khai một dự án toàn diện mới nhằm nâng cao hơn nữa tính công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua nâng cao năng lực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, chúng tôi hiện đang làm việc cùng nhau để khởi động một dự án hợp tác kỹ thuật mới trong lĩnh vực Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nhằm nâng cao khả năng so sánh của khung kế toán tại Việt Nam, với sự hợp tác của các nhà tài trợ quốc tế khác. JICA mong muốn được tiếp tục hợp tác với Bộ Tài chính vì sự phát triển tiến bộ của ngành Tài chính Việt Nam.

* Ông Toshinori Doi, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO):

Sự trao đổi thẳng thắn của Bộ Tài chính giúp AMRO đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp

Ông Toshinori Doi

Đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực, thực hiện giám sát kinh tế vĩ mô đối với các nền kinh tế thành viên là cốt lõi trong công việc của AMRO. Trong các chuyến tham vấn thường xuyên của chúng tôi tại Việt Nam, những trao đổi thẳng thắn của Bộ Tài chính Việt Nam đã cung cấp cho AMRO thông tin cập nhật về diễn biến kinh tế vĩ mô của đất nước, triển vọng, rủi ro và những lĩnh vực dễ bị tổn thương, từ đó giúp AMRO đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho các cơ quan chức năng. Kể từ năm 2018, AMRO bắt đầu xuất bản Báo cáo Tham vấn thường niên về Việt Nam, được xây dựng dựa trên những phát hiện chính từ các chuyến thăm của chúng tôi.

Một ví dụ sinh động về sự hợp tác có ý nghĩa giữa hai bên là hội thảo chung có chủ đề “Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển” tại Hà Nội vào tháng 5/2018, nhấn mạnh sự phù hợp của việc duy trì chiến lược sản xuất hàng xuất khẩu đối với sự phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Cuối tháng đó, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, AMRO đã tổ chức hội thảo chung cho các thành viên CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) tại Đà Nẵng. Hội thảo đã tạo cơ hội mở cho các cán bộ và chuyên gia CLMV trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế quan trọng liên quan đến các nước CLMV cũng như các cách thức để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho các quốc gia này.

Kể từ năm 2014, AMRO đã đón nhận 8 cán bộ biệt phái từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Các cơ hội đào tạo tại chỗ này đã được chứng minh là đôi bên cùng có lợi vì các cán bộ này có thể đóng góp kiến thức và chuyên môn của họ cho công việc của AMRO trong khi được tiếp xúc với hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô và hỗ trợ CMIM từ vị trí của một tổ chức quốc tế.

Năm nay, cùng với Nhật Bản, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước là đồng Chủ tịch của Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+ 3. Nhờ sự điều hành linh hoạt của Bộ Tài chính trong các phiên thảo luận về những vấn đề liên quan tới hoạt động của AMRO mà chúng tôi đã vượt qua những thử thách trong thời kỳ đại dịch Covid-19 này, đồng thời định hướng lại các ưu tiên công việc của chúng tôi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cơ quan chức năng trong khu vực.

Trong thời gian tới, AMRO hy vọng sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận sâu về chính sách và cung cấp nhiều khuyến nghị chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp hơn cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống và lệnh cấm di chuyển được dỡ bỏ, AMRO sẽ tiếp tục các chuyến công tác của chúng tôi đến Việt Nam và tiến hành các hội thảo chung với Bộ Tài chính để tăng cường công tác giám sát kinh tế vĩ mô, củng cố mối quan hệ đối tác thân thiết và tăng cường vị thế của AMRO tại Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật và chương trình hợp tác nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của các cơ quan chức năng và các cơ sở học thuật tại Việt Nam.

Thành công của AMRO trong việc đóng góp vào một khu vực ASEAN+3 không có khủng hoảng tài chính nằm phụ thuộc vào việc cung cấp lời khuyên chính sách kịp thời và phù hợp cho các thành viên, đặc biệt là trong những thời điểm đầy biến động như đại dịch Covid-19. Chúng tôi cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đạt được mục tiêu này.

Luyện Vũ (ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-28/nganh-tai-chinh-qua-goc-nhin-cua-cac-doi-tac-phat-trien-91628.aspx