Ngành Tài chính tập trung kết nối liên thông dữ liệu dân cư

Chiều ngày 6/2/2023, Bộ Tài chính tổ chức cuộc làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030 để triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 và Công văn của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, tháo gỡ các điểm nghẽn triển khai Đề án 06.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06/CP, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc họp về vấn đề này và sau đó đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, cuộc làm việc nhằm đánh giá lại việc thực hiện triển khai Đề án 06/CP trong lĩnh vực tài chính. Trước hết là hoàn thiện thể chế thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, trong đó có thông tư miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; dữ liệu khai thác trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đề án 06/CP đã nêu cụ thể thời gian thực hiện cho từng nhiệm vụ, do đó, các bộ, ngành cần rà soát để đảm bảo tiến độ thực hiện, kịp thời kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó 10 cơ sở dữ liệu đã hoàn thành triển khai (Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; Quản lý thuế; Quản lý Kho bạc; Quản lý hải quan; Quản lý chứng khoán; Quản lý tài sản công; Quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính; Quản lý giá và Quản lý bảo hiểm), 2 cơ sở dữ liệu đang thực hiện (Quản lý nợ và Quản lý dự trữ).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính hiện nay ưu tiên hàng đầu là cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, sau đó sẽ thực hiện đối với lĩnh vực tài sản công và kho bạc; tiếp đó là quản lý bảo hiểm, chứng khoán. Trong lĩnh vực thuế, vấn đề mua bán hóa đơn giả, hoàn thuế… cần có kết nối liên thông và định danh để kiểm soát. Trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, khi có định danh, kết nối liên thông thì việc truy vết sẽ dễ thực hiện hơn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với nhiệm vụ về sử dụng mã số thuế là số định danh cá nhân, hiện nay, Tổng cục Thuế đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dung số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế. Dự thảo Thông tư đã gửi lấy ý kiến 63 Cục Thuế và các Vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai tích cực nhiệm vụ này. Tính đến ngày 18/05/2023, có 16.814 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn với tổng tiền thuế thu được trên thông tin hóa đơn là 222,8 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế và Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (C06) cũng đang kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile. Sau khi kết nối, cá nhân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử (tài khoản đã được cấp tại hệ thống VNeID) để đăng nhập vào ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân.

Về triển khai sử dụng các dịch vụ của ngành Thuế trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, Bộ Công an xây dựng dịch vụ truy vấn dữ liệu từ Tổng cục Thuế, dự kiến C06 sẽ triển khai các dịch vụ trên ứng dụng (app) của ngành Thuế đã cung cấp cho người nộp thuế như: truy vấn thông tin về thuế cá nhân, thông báo của cơ quan thuế, thông tin nghĩa vụ nộp thuế... theo kế hoạch triển khai của Bộ Công an.

Bộ Tài chính cũng đã tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế trên VneID; phối hợp hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam); thông báo cho toàn thể công chức trong ngành Tài chính và ngành Thuế về việc cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng VneID.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính ý thức cao về vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là kết nối liên thông dữ liệu dân cư. Theo Bộ trưởng, khi tập trung kết nối liên thông vào dữ liệu dân cư thì sẽ kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân phục vụ công tác quản lý thuế.

Sau cuộc họp này, Bộ Tài chính sẽ phân công rõ từng nhiệm vụ cần thực hiện, triển khai ngay các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP đề ra. Theo đó, tập trung rà soát lại chính sách, đặc biệt là thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán… ; Kiểm tra, rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin để kịp thời nâng cấp; Rà soát lại dữ liệu, đảm bảo chính xác, số liệu phải sạch, kịp thời.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ về tình hình triển khai Đề án 06/CP trong lĩnh vực tài chính và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nganh-tai-chinh-tap-trung-ket-noi-lien-thong-du-lieu-dan-cu.html