Ngành thời trang cao cấp Italy lao đao vì dịch COVID-19

Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, ngành thời trang và may mặc doanh thu 109,7 tỷ USD của Italy sẽ đón nhận những tổn thất nặng nề vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

Người mẫu trình diễn bộ sưu tập của thương hiệu cao cấp Armani 2020 trong Tuần lễ Thời trang. Ảnh: Reuters

Người mẫu trình diễn bộ sưu tập của thương hiệu cao cấp Armani 2020 trong Tuần lễ Thời trang. Ảnh: Reuters

Trang Business Insider đưa tin tối 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca mắc dịch COVID-19 nước này tiếp tục tăng mạnh, khiến Italy trở thành "điểm nóng" ngoài Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh.

Trong ngày 10/3, Italy ghi nhận thêm 977 ca dương tính với chủng mới của virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 10.149 trường hợp. Số ca tử vong do dịch bệnh được ghi nhận trong ngày là 168 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Italy lên 631 trường hợp.

Mặc dù hiện hơn 80% các trung tâm mua sắm và siêu thị đã được mở cửa trở lại ở những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, song Italy vẫn phải chuẩn bị tinh thần đón nhận những tác động tiêu cực mà dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế và trên 60 triệu người của quốc gia Nam Âu này.

Ngay giai đoạn xuất hiện bệnh dịch, cổ phiếu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng tại Italy đã chứng kiến màn rớt giá đáng kể. Chỉ trong hai tuần, từ 17/21-31/1, chỉ số MSCI về hàng thời trang và may mặc cao cấp châu Âu ghi nhận con số thiệt hại lên tới 54 tỷ USD giá trị thị trường. Hai công ty tư vấn bao gồm Boston Consulting Group và Bernstein đưa ra dự đoán ngành thời trang cao cấp Italy có thể thiệt hại lên tới 45 tỷ USD doanh thu chỉ trong năm nay.

Lệnh phong tỏa toàn quốc công bố ngày 9/3 được coi là cú đòn choáng váng nữa đối với ngành thời trang cao cấp tại Italy. Trụ sở các hãng hiệu nổi tiếng như Prada, Armani và Versace đều tập trung ở "kinh đô thời trang" Milan. Tập đoàn Armani đã quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn ở Milan từ 18h ngày 10/3, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của các nhân viên và khách hàng trước tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh tại vùng Lombardy.

Tương tự, các thương hiệu thời trang quốc tế khác như Louis Vuitton và Stella McCartney phụ thuộc vào các nhà máy may mặc nằm ở miền Bắc Italy chịu cảnh không có hàng vì lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, ở khu vực miền Nam, các nhà sản xuất đồ trang sức và đồ da cũng điêu đứng không kém. Đồ da được coi là một trong những mặt hàng phổ biến nhất đối với các thương hiệu cao cấp. Thậm chí, sức mạnh của mặt hàng này lớn đến mức một chiếc túi được yêu thích hoàn toàn có khả năng ổn định tài chính của một công ty.

Không chỉ lo về đầu vào, các hãng may mặc Italy còn “đứng ngồi không yên” về đầu ra của sản phẩm khi không biết hàng có bán được hay không. Theo một bài viết trên Tạp chí Phố Wall, các khách hàng nước ngoài đã đồng loạt hủy đơn đặt hàng đối với các sản phẩm may mặc Italy, ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng, từ công ty cung cấp vải cho đến các đơn vị thiết kế, nhà máy sản xuất.

Tuần lễ thời trang Milan – nơi các thương hiệu vừa kết thúc đợt quảng bá Bộ sưu tập Xuân Hè – cũng giảm quy mô do dịch COVID-19 bùng phát. Cụ thể, thương hiệu thời trang Armani thông báo thực hiện buổi trình diễn thời trang mà không có khán giả trong ngày cuối cùng của tuần lễ thời trang. Trước đó, hàng nghìn khách hàng, nhân vật ảnh hưởng và nhà báo cho biết họ quyết định không đến tham dự các sự kiện trình diễn thời trang ở Milan vì lo ngại dịch bệnh COVID-19.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nganh-thoi-trang-cao-cap-italy-lao-dao-vi-dich-covid19-20200311105404112.htm