Ngành thuế Hà Nội quyết liệt giảm nợ đọng thuế

Hà Nội luôn nằm trong nhóm những địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Không hài lòng với các kết quả đạt được, thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã đề ra những giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thu thuế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của thành phố.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội về vấn đề này.

Ông Mai Sơn.

Phóng viên (PV): Thưa ông, công tác thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Mai Sơn: Cùng với cả nước, ngay từ đầu năm 2018, Cục Thuế thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu ngân sách đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế và toàn thể các cán bộ, công chức. 9 tháng năm 2018, công tác thu ngân sách đạt kết quả khả quan, cụ thể: Tổng thu ngân sách 9 tháng năm thực hiện là 153.650 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán pháp lệnh, tăng 16% so cùng kỳ.

Cùng với đó, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục được cục thuế thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thách thức lớn. Cục đã thực hiện các biện pháp đồng bộ để thu hồi nợ thuế. Trong đó, thường xuyên rà soát, phân loại chính xác số tiền nợ theo từng tiêu chí để thực hiện tốt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng; nắm bắt, phân tích tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp (DN) nợ thuế (đặc biệt là các đơn vị nợ dưới 90 ngày được tập trung đôn đốc quyết liệt); đồng thời, luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của DN để có biện pháp thu nợ phù hợp, kịp thời và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cục cũng áp dụng các biện pháp mạnh đối với những DN cố tình trây ỳ. Đối với các DN nợ đọng thuế, phí, nghĩa vụ tài chính về đất đai, thành phố sẽ không cấp mới, phê duyệt chủ trương đầu tư những dự án mới, điều chỉnh quy hoạch, sang nhượng, chuyển dự án. Qua đó, số nợ thuế trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Nếu như năm 2015, số nợ thuế hơn dưới 90 ngày trên địa bàn là hơn 21.000 tỷ đồng thì đến ngày 30-9-2018 chỉ còn khoảng 12.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa. Đây là nỗ lực lớn từ phía DN và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sở, ngành.

Thực hiện thủ tục hành chính thuế tại Cục thuế TP Hà Nội.

PV: TP Hà Nội đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Vậy, Cục Thuế thành phố đã triển khai như thế nào trong lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Mai Sơn: Thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã tăng cường CCHC thuế và tạo nhiều chuyển biến tích cực. Bắt đầu từ khâu thành lập DN, trước đây, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế là 4 giờ, nay rút ngắn còn 30 phút tại cơ quan thuế. Cục cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế, đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu của ngành thuế cả nước trong triển khai ứng dụng CNTT. Kê khai thuế qua mạng trên địa bàn thành phố đạt hơn 98% (chiếm 1/5 tổng số DN nộp hồ sơ khai thuế qua mạng của cả nước); nộp thuế điện tử đạt hơn 95%. Cục cũng triển khai nộp thuế điện tử đối với hộ cho thuê tài sản; trao đổi thông tin với người nộp thuế bằng thư điện tử…

Cục Thuế thành phố còn tự nghiên cứu xây dựng các ứng dụng CNTT trong công tác thu nộp thuế, giúp giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện tối đa cho DN khi làm thủ tục về thuế. Theo đó, việc ứng dụng CNTT vào TTHC thuế cũng là tiền đề để cơ quan thuế thành phố tinh gọn bộ máy. So với năm 2011, hiện Cục đã giảm được 42 đầu mối tại các chi cục thuế và giảm 185 biên chế. Tới đây, Cục sẽ tiếp tục tinh gọn 12 chi cục thuế xuống còn 6 chi cục thuế khu vực mà vẫn bảo đảm cơ quan thuế thành phố hoạt động ổn định, hiệu quả.

PV: Cục Thuế TP Hà Nội có những giải pháp gì trong những tháng cuối năm để hoàn thành tốt công tác thu ngân sách trên địa bàn thành phố, thưa ông?

Ông Mai Sơn: Để hoàn thành công tác thu ngân sách được giao, chúng tôi đang đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức đối thoại, tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp nhằm nắm bắt tình hình sản, xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, tiếp nhận ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của DN và người dân về chính sách, TTHC thuế để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật thuế hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền về các chính sách, quy trình, quy chế liên thông, đơn giản hóa TTHC nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo môi trường thuận lợi cho DN mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút tốt các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Cục cũng sẽ tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro lớn và theo các chuyên đề (bất động sản, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, các đơn vị lỗ liên tục, ưu đãi miễn giảm thuế, hóa đơn bất hợp pháp…). Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về chống thanh, kiểm tra chồng chéo, bảo đảm đúng đối tượng rủi ro. Bên cạnh đó, Cục cũng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc tham mưu các cơ chế tạo điều kiện phát triển, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội, các đại lý thuế, DN tư vấn thuế,…

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

NGUYỄN TUẤN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-thue-ha-noi-quyet-liet-giam-no-dong-thue-553030