Ngành tôm chưa thể vội mừng!

Sau 13 năm ròng rã ứng phó với rào cản thuế chống bán phá giá của Mỹ, ngành tôm cuối cùng cũng nhận tin vui khi tuần trước Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13), đưa mức thuế chống bán phá giá về 0% áp dụng cho 31 công ty xuất khẩu Việt Nam.

Tình hình xuất khẩu tôm vì thế được dự báo sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 10% lên 25% vào ngày 10-5 vừa qua.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ đang ấm dần lên. Ảnh minh họa Lê Hoàng Vũ.

Dù lạc quan nhưng cần nhìn nhận rằng khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ cũng thường là lúc các hàng rào phi thuế được thực thi khắt khe hơn. Từ ngày 31-12-2018, tất cả sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ đều phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP), như đáp ứng đầy đủ thông tin về thu hoạch, đánh bắt và hành trình di chuyển đến khi cập cảng và có thể truy xuất lại trong vòng hai năm...

Nhân việc thuế tôm xuất khẩu sang Mỹ về 0%, nên chăng nhìn lại quy hoạch vùng nuôi trồng nhằm đảm bảo nguyên liệu xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng con tôm để giữ vị thế tại các thị trường khó tính.

Khi nội lực ngành tôm vẫn còn mong manh, các hộ dân vẫn còn nuôi trồng nhỏ lẻ (chiếm từ 70-80% diện tích(1)), kháng sinh tạp chất vẫn đang hoành hành (trong năm 2018, khoảng 80 lô hàng thủy sản bị các nước nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về(2)) và giá thành vẫn không cạnh tranh được với các đối thủ nặng ký như Ecuador hay Indonesia (cao hơn từ 10.000-30.000 đồng/ki lô gam) thì đây thực sự là nỗi lo.

Ngành tôm chỉ mới phục hồi trong khoảng 2-3 năm trở lại đây sau giai đoạn khủng hoảng bởi dịch bệnh EMS hồi năm 2010-2015. Sản lượng nuôi tôm vì thế đã giảm mạnh, trong bối cảnh đó, một số cơ sở chế biến Việt Nam đã “chữa lửa” bằng cách tận dụng nguồn tôm nhập khẩu. Hồi tháng 6 vừa qua, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam đã bị cáo buộc nhập khẩu tôm Ấn Độ để chế biến xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm từ nước này.

Dù Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ vẫn chưa khởi xướng điều tra vụ việc nhưng đây vẫn là lời cảnh tỉnh cho ngành tôm Việt Nam. Bởi, số liệu năm 2018 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 133.779 tấn với giá trị 833 triệu đô la Mỹ. Mặc dù giảm 15% về khối lượng và 28% về giá trị so với năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ.

Ở một bối cảnh khác, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi nước này lại giảm nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội nhưng cũng là thử thách với ngành tôm bởi mặt hàng tôm từ các nước trên có thể tràn vào Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Đó là chưa tính đến rủi ro từ việc Việt Nam đang có xuất siêu lớn với Mỹ, có nguy cơ rơi vào diện bị theo dõi, giám sát. VASEP cho hay trong tháng 7, giá trị xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 77 triệu đô la Mỹ, tăng tới 37,2%; còn trong bảy tháng đầu năm nay đạt 327,4 triệu đô la Mỹ, tăng 5%.

Nhân việc thuế tôm xuất khẩu sang Mỹ về 0%, nên chăng nhìn lại quy hoạch vùng nuôi trồng nhằm đảm bảo nguyên liệu xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng con tôm để giữ vị thế tại các thị trường khó tính. Hồ hởi nuôi, nhưng thận trọng là không thừa khi bài học về một số sản phẩm thép phải chịu thuế tới hơn 400% vẫn chưa hết nóng.

(1) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/DN-xa-hoi-Mot-huong-di-cho-kinh-te-tu-nhan-trong-nong-nghiep/364906.vgp

(2) http://vneconomy.vn/eu-tra-ve-17-lo-nong-thuy-san-cua-viet-nam-2019050612483513.htm

Hữu Phan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293321/nganh-tom-chua-the-voi-mung.html