Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích
Zalo

Ngành tư pháp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội

Chiều 26-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác quý IV-2022. Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo. Thông tin từ cuộc họp báo cho thấy, công tác tư pháp năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, với sự tham mưu trực tiếp, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế, các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 6 Nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.

 Quang cảnh cuộc họp báo về công tác tư pháp quý IV-2022.

Quang cảnh cuộc họp báo về công tác tư pháp quý IV-2022.

Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và trên 2.800 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Hội đồng Phối hợp Phổ biến Giáo dục Pháp luật Trung ương và các địa phương đã tổ chức được nhiều hoạt động, có hiệu quả tích cực.

Kết quả thi hành án dân sự xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đến nay đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 Cơ sở dữ liệu.

 Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Thanh Hải trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Thanh Hải trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí.

Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân về đăng ký khai sinh mới cho 1,8 triệu trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho gần 910.000 trường hợp; đăng ký khai tử cho trên 740.000 trường hợp; đăng ký kết hôn cho khoảng 730.000 cặp và hàng triệu yêu cầu về chứng thực văn bản, giao dịch.

Hoạt động bổ trợ tư pháp đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với gần 8,9 triệu hợp đồng, giao dịch được công chứng, trên 24.000 cuộc bán đấu giá thành và các luật sư đã thực hiện hơn 115.000 vụ việc (tăng 65,6% so với năm 2021), qua đó giúp bảo đảm an toàn pháp lý, trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước...

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG