Ngành tuyên giáo phải đi trước

Công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã không ngừng cố gắng, nỗ lực tìm tòi, chắt lọc những cái hay, cái mới từ thực tiễn cuộc sống. Chính sự chủ động nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, ngành tuyên giáo đã góp phần không nhỏ vào sự bứt phá của thành phố sau đại dịch Covid-19.

Triển lãm “Lặng” là một trong những hoạt động nổi bật của quận Phú Nhuận.

Triển lãm “Lặng” là một trong những hoạt động nổi bật của quận Phú Nhuận.

Năm 2022, Ban Tuyên giáo Quận ủy Phú Nhuận đã chủ động đề xuất và tham mưu cuộc trưng bày chuyên đề “Lặng” với nội dung trọng tâm là “Cuộc chiến chống dịch Covid-19-Một năm nhìn lại”. Triển lãm đã được diễn ra vào giữa năm tại quán cà-phê Lúa, 140B đường Nguyễn Văn Trỗi và trở thành một trong những hoạt động nổi bật của quận trong năm qua.

Cuộc trưng bày mang lại nhiều cảm xúc cho cán bộ, đảng viên, nhân viên và người dân trên địa bàn quận, thu hút hơn 10.000 lượt người đến tham quan, thưởng lãm và cảm nhận. Đến đây, mọi người sẽ nhìn lại hơn 1.500 văn bản chỉ đạo cho công tác chống dịch từ quận đến cơ sở; các mẫu giấy tờ được cung cấp cho người dân sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; gần 1.000 hình ảnh và hàng trăm hiện vật gắn bó với chính quyền, người dân trong thời gian chống dịch khốc liệt.

Không gian triển lãm cũng đã tái hiện một số hoạt động nổi bật như: Tiêm vắc-xin; xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng; các chốt chặn kiểm soát dịch; mô hình bệnh viện dã chiến; trung tâm an sinh, siêu thị 0 đồng… Tại triển lãm có không gian trang trọng để tưởng niệm các nạn nhân đã mất trong đại dịch Covid-19. Khu vực triển lãm của 13 phường-13 pháo đài cùng nhiều hình ảnh, số liệu phục hồi kinh tế và các hoạt động nổi bật trên địa bàn quận Phú Nhuận sau đại dịch cũng tạo sức hút đối với người tham quan…

Là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức trưng bày, triển lãm “Lặng” ghi lại một cách chân thật, toàn diện về một chặng đường mà toàn quân, toàn dân quận Phú Nhuận đã chung sức, chung lòng vượt qua đại dịch.

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho biết: Cuộc trưng bày lần này như một sự sẻ chia những mất mát của nhân dân trong đại dịch, đó cũng là tri ân đến sự hy sinh, gian khổ của các lực lượng tuyến đầu, một lần nữa thể hiện sự chung sức, đồng lòng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh các giải pháp thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tiếp theo. “Hạnh phúc, lòng nhân ái, nghĩa tình sẽ đọng mãi trên mảnh đất Phú Nhuận của chúng ta. Phú Nhuận của chúng ta sẽ là Phú Nhuận bình yên, Phú Nhuận xanh và Phú Nhuận nghĩa tình”.

Đồng chí Nguyễn Đông Tùng khẳng định. Đối với Quận ủy Quận 1, thời gian qua, việc thực hiện hiệu quả bước đầu các giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 đã trở thành điểm sáng trong công tác tuyên giáo của quận. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên, công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị Quận 1 tổ chức với nhiều hoạt động và hình thức phong phú, sinh động.

Các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được các đơn vị thực hiện phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn. “Việc triển khai thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là những nội dung không tách rời nhau, đây có thể được xem như phương thức mới nhằm phát huy giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, tạo dấu ấn riêng cho thành phố mang tên Bác.

Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các chủ thể, các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên mà nhất là vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp”, đồng chí Nguyễn Trung Châu Tuyên cho hay.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Nguyễn Như Khuê, kết quả nổi bật của ngành tuyên giáo trong thời gian qua là thành quả của sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ thuộc các lĩnh vực của ngành tuyên giáo; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và cấp ủy tổ chức đảng các cấp.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng thẳng thắn nhìn nhận: Ngành tuyên giáo còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác nắm bắt, tổng hợp, phân tích, dự báo, phản ánh, định hướng dư luận xã hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa toàn diện, còn chạy theo sự vụ, sự việc. Một số cán bộ phụ trách dư luận xã hội năng lực phát hiện, dự báo, tham mưu những vấn đề mới, vấn đề nóng còn chưa nhạy bén. Công tác tuyên truyền tại từng cấp ủy địa phương, đơn vị có lúc, có nơi vẫn còn bị động…

Năm 2023 là năm “bản lề” có ý nghĩa rất quan trọng để thành phố hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thành phố cũng vừa triển khai, quán triệt Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.

Đây là Nghị quyết rất quan trọng đối với thành phố ngay thời điểm này với nội dung cụ thể, rõ ràng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, sứ mệnh của thành phố. “Ngành tuyên giáo phải đi trước, nâng cao năng lực dự báo, tiếp tục triển khai thực hiện có giá trị lan tỏa Nghị quyết 31 sớm đi vào cuộc sống, gắn với thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LINH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nganh-tuyen-giao-phai-di-truoc-post737026.html