Ngành văn hóa- thể thao& du lịch: Một năm nhìn lại

Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần được khắc phục, thay đổi để giảm bớt tồn tại, hạn chế sai sót…

Năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã chủ động xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch công tác nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển sự nghiệp VH-TT&DL. Bộ đã trình Quốc hội ban hành Luật Thư viện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Nghị định, 1 Quyết định, và xem xét 5 dự thảo đề án khác. Bộ trưởng cũng đã ban hành 14 Thông tư.

Năm vừa qua, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng đã quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia, đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, đã thẩm định hồ sơ, ban hành 448 giấy phép các loại cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ VH-TT&DL cung cấp thông tin tại cuộc họp báo quý IV-2019. Ảnh tư liệu

Thể thao thành tích cao được coi là một năm gặt hái được nhiều thành công. Năm 2019, các vận động viên thể Việt Nam giành tổng số 587 Huy chương vàng, 428 Huy chương Bạc, 468 Huy chương đồng. Tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc, xếp vị trí thứ 2/11 quốc gia tham dự. Đội tuyển bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games, đội tuyển bóng đã nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games, trong số 45 môn và phân môn tham dự Đại hội có 41 môn và phân môn đạt huy chương.

Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tỉnh, TP, các DN, năm vừa qua, ngành du lịch tiếp tục đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và trog 3 năm liên tiếp (2016-2019) đạt 30%/năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với 2018. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Việt Nam được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; TP Hội An được bình chọn là Điểm đến TP văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành văn hóa cũng còn khá nhiều tồn tại chưa giải quyết triệt để. Đơn cử là việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Điều khiến nhiều PV quan tâm nhất tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV-2019 là việc vụ việc Hãng phim truyện Việt Nam đã được giải quyết đến đâu, để đến nỗi hiện giờ người làm nghề ở hãng phim đều bị cắt lương, cắt bảo hiểm; nghệ sĩ của hãng thường xuyên giăng băng rôn, khẩu hiệu kêu cứu. Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chính thức tiến hành từ năm 2014. Sau quá nhiều lùm xùm, đến năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận quá trình cổ phần hóa có quá nhiều sai phạm và yêu cầu VIVASO, DN bỏ tiền mua cổ phần hãng phim phải thoái vốn. Dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ VH-TT&DL phải giải quyết dứt điểm vụ việc này, nhưng cho đến nay có vẻ như tiến độ vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết: "Hãng phim đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật DN, hiện hãng phim chưa báo cáo Bộ. Hiện giờ chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ hãng phim. Liên quan đến vụ việc hãng phim, Bộ đã nhận văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà thầu chiến lược và báo cáo lộ trình. Hiện Bộ đang tập trung xử lý thoái vốn, sau khi xong, sẽ xử lý các cá nhân liên quan và báo cáo ban cán sự”.

Năm vừa qua, vụ việc bộ phim “Ròm” của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy giành giải thưởng New Currents tại LHP Busan 2019 bị Cục Điện ảnh "tuýt còi" bởi đang trong quá trình chỉnh sửa, chờ thẩm định lại nội dung cấp phép mà vẫn tham dự LHP Busan, cũng được nhiều PV quan tâm. Trước đó, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất bộ phim “Ròm” là Cty CP sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm) với số tiền 40 triệu đồng.

Lý do phạt là nhà sản xuất đã phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến. Cụ thể, nhà sản xuất đã gửi “Ròm” tham dự LHP Busan khi chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến. Sau khi Cục Điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất phải rút phim về nhưng nhà sản xuất vẫn tiếp tục tham dự LHP Busan nên bị tính là tình tiết tăng nặng.

Trong quyết định, thanh tra Bộ yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm (bản phim gửi tham gia liên hoan phim) và yêu cầu trong vòng 10 ngày nhà sản xuất phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Được biết, đến nay, ê-kíp phim “Ròm” đã gửi bản chỉnh sửa lên Cục Điện ảnh chờ thẩm định, phê duyệt cấp phép.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-van-hoa-the-thao-du-lich-mot-nam-nhin-lai-175834.html