Ngành Xây dựng công trình hàng không có gì hấp dẫn?

Trong hàng chục cơ sở đào tạo từ Trung Cấp tới Đại học về ngành Xây dựng trong cả nước thì chỉ duy nhất Học viện Hàng không Việt Nam (VAA) đào tạo về chuyên ngành 'công trình xây dựng hàng không'. Đây là ngành đặc thù, chuyên biệt mà chỉ VAA mới có, bởi sinh viên được đào tạo chuyên sâu các nội dung về kỹ năng thiết kế, phương pháp, kỹ thuật, quy trình xây dựng công trình hàng không. Đặc biệt là an toàn trong quá trình xây dựng vận hành các công trình hàng không, quản lý khai thác dự án đạt hiệu quả cao nhất và kéo dài tuổi thọ công trình…

Từ tiềm năng ngành hàng không

Ngành hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với mức tăng trưởng trung bình trên 10%/năm và đang trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn thế giới. Việt Nam có kế hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2050, với 30 - 35 cảng hàng không, trong đó có 15 - 17 cảng hàng không quốc tế và 15 - 18 cảng hàng không nội địa. Việc đầu tư vào xây dựng và nâng cấp các sân bay trên toàn quốc đang được thực hiện, tuy nhiên, ngành hàng không Việt Nam đang gặp khó khăn về nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ thuật phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành hàng không.

Sự phát triển hạ tầng hàng không quá nhanh trong giai đoạn 2020 - 2050 ở Việt Nam đòi hỏi hàng năm cần tới 2.000 kỹ sư xây dựng chuyên ngành cảng hàng không. Đây là nhu cầu nhân lực cấp bách của hàng loạt dự án xây dựng sân bay mới như Long Thành, Phan Thiết, mở rộng các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Chu Lai…

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, trong ba năm đại dịch vừa qua, ngành hàng không đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Sở dĩ phải sửa chữa cải tạo là do hạ tầng hàng không đã quá tải và xuống cấp, chưa theo kịp xu hướng phát triển hiện nay.

Điểm nghẽn trầm trọng nhất ở Tân Sơn Nhất là đường cất hạ cánh quá tải và nhà ga hành khách quá chật chội. Tần suất tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt trên 70 chuyến/giờ khi xây dựng thêm các đường lăn song song hai bên đường cất hạ cánh và các đường lăn thoát nhanh, cải tiến điều hành không lưu. Nếu thực hiện được các giải pháp trên, sân bay Tân Sơn Nhất có thể khai thác tới 400.000 chuyến cất hạ cánh/năm, cao hơn nhiều so với con số 260.862 chuyến cất hạ cánh của năm 2019.

Đến nhu cầu thực tế nguồn nhân lực ngành xây dựng công trình hàng không

Theo đề án phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2030, để phát triển hệ thống cảng hàng không, cần nhiều nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn của ICAO (tổ chức hàng không dân dụng quốc tế). VAA là đơn vị đào tạo hàng không hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, đã cung cấp cho thị trường lao động hàng ngàn nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không.

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt - Phụ trách khoa Xây dựng VAA cho biết, ngành xây dựng công trình hàng không là một trong số các ngành VAA tập trung đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các cảng hàng không trong nước và khu vực. Chương trình đào tạo này tập trung vào các kỹ năng thiết kế, quản lý dự án và an toàn trong quá trình xây dựng các công trình. Chương trình học được thiết kế với các nội dung chuyên sâu về phương pháp, kỹ thuật và quy trình xây dựng công trình hàng không.

Chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng công trình hàng không tại VAA có nhiều ưu điểm, bao gồm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhân lực thị trường ngành xây dựng hàng không, có tương lai phát triển cho ứng viên, liên kết với các đối tác, môi trường làm việc sau khi ra trường chuyên nghiệp và có tính quốc tế. Học viện cũng có chính sách học bổng hỗ trợ cho sinh viên xuất sắc và có hoàn cảnh khó khăn, học phí cạnh tranh và cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp còn có cơ hội được tuyển dụng trực tiếp vào các công ty, cơ quan đối tác của Học viện. Học viện cũng cung cấp các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để giúp sinh viên phát triển nghiên cứu khoa học và tiếp cận các kiến thức chuyên sâu trong ngành.

Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh vào ngành xây dựng công trình hàng không bằng các phương thức xét theo học bạ và điểm thi THPT Quốc gia, ưu tiên đối với học sinh giỏi và tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Văn Hoa - Phi Long - Thành Đạt

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-cong-trinh-hang-khong-co-gi-hap-dan-354153.html