Ngành xây dựng đẩy mạnh cải cách

2018 được xem là năm rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả, với tốc độ cải cách mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đà tăng trưởng cho toàn ngành.

Cắt giảm mạnh ĐKKD

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về ĐKKD thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ này.

Trong đó, đã thực hiện bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 43,7% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 ĐKKD được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng chủ trì.

Như vậy, tổng số ĐKKD được cắt giảm và đơn giản hóa của Bộ Xây dựng đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu cắt giảm; đơn giản hóa 50% ĐKKD theo Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD.

Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), cho biết Nghị định 100 được ban hành là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng, đã được Chính phủ đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong việc nỗ lực giảm ĐKKD thuộc phạm vi quản lý.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản luật, trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn và thông lệ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Bộ Xây dựng còn đề xuất, bãi bỏ một số ĐKKD được quy định trong các luật chuyên ngành.

Trong số các nội dung cắt giảm ĐKKD và đơn giản TTHC tại Nghị định 100, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý Trung ương (VICEM), bày tỏ ấn tượng nhất với 1 nội dung là bãi bỏ yêu cầu nhân sự tối thiểu đối với DN. Theo ông Hiếu, yêu cầu nhân sự tối thiểu theo quy định trước đây gây lãng phí rất lớn cho DN.

Với Nghị định 100, tùy vào quy mô kinh doanh, số lượng công việc, DN đăng ký nhân sự phù hợp với quá trình mở rộng kinh doanh, phù hợp với năng lực và tham vọng của mình. “Nghị định 100 là đột phá của ngành xây dựng, đem lại tác động tích cực cho DN. Đó là giảm được chi phí tiền bạc, thời gian, chi phí cơ hội, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN” - ông Hiếu chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Trần Thị Hương, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông - INTRACOM, nhận định Nghị định 100 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về ĐKKD thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, theo hướng thông thoáng, đơn giản hóa nhưng chi tiết và thực tế hơn, đủ khuôn khổ để phát triển cả về trình độ chuyên môn và quy mô DN, trên cơ sở môi trường hoạt động xây dựng lành mạnh.

Giải quyết hồ sơ một cửa

Cùng với cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, Bộ Xây dựng đã thí điểm thành lập bộ phận một cửa, một cửa liên thông đối với 22 TTHC trong tổng số 33 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (11 TTHC còn lại vẫn được ủy quyền cho Cục Giám định và Cục Quản lý hoạt động xây dựng thực hiện).

Bộ phận một cửa thí điểm đã tiếp nhận một khối lượng lớn hồ sơ và đã giải quyết theo đúng thời gian quy định. Mô hình trung tâm một cửa tập trung để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đã được thực hiện tại các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Bình... và nay đã lên tới cấp bộ.

Tuy nhiên, để vận hành mô hình này thành công là thách thức rất lớn. Nếu bộ phận một cửa không can thiệp vào quy trình nội bộ của các đơn vị giải quyết TTHC, vẫn trao toàn quyền cho các vụ, cục chuyên môn, mô hình một cửa vẫn chỉ là hình thức.

Theo các chuyên gia Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thành lập bộ phận một cửa tại bộ có thể dễ dàng giúp người dân đến một nơi và chuyển bộ phận chuyên môn giải quyết. Quy trình này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, có thể giảm chi phí, thời gian trong thực hiện TTHC.

Khi các TTHC được xử lý tập trung sẽ mang lại nhiều cái lợi. Cái lợi đầu tiên là các TTHC được chuẩn hóa, quy trình hướng dẫn chuyên nghiệp, các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, thời hạn, phí lệ phí… được công khai minh bạch. Mô hình này còn tạo ra cơ chế minh bạch, hiệu quả để cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, viên chức.

Qua đó dần tạo dựng môi trường hành chính văn minh, hiện đại, hiệu quả trong giải quyết thủ TTHC, đồng thời đảm bảo sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giải quyết TTHC của Bộ Xây dựng.

Việc tập trung một đầu mối sẽ là cơ sở để lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá và theo dõi được khối lượng công việc, giám sát được quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Đây cũng là cơ hội tốt để tối ưu hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ tiếp xúc DN, cán bộ chuyên môn các cục, vụ trong xử lý hồ sơ. Nó cũng là động lực giúp người dân và DN tìm hiểu rõ quy trình, tránh việc nhờ cậy, chạy chọt… tiềm ẩn xung đột lợi ích và nguy cơ tham nhũng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI

Minh Tuấn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/nganh-xay-dung-day-manh-cai-cach-64484.html