Ngành Xuất bản chờ chính sách thiết thực và khả thi

Nhiều chính sách ưu đãi cho xuất bản, in và phát hành đã được quy định trong Luật Xuất bản (2012), nhưng phần lớn chưa được thực thi trong thực tiễn, bởi nhiều lý do.

Sáng 25.11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012. Tham dự có: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị xuất bản, in và phát hành…

Tạo điều kiện phát triển xuất bản, in và phát hành

Luật Xuất bản được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 20.11.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013. Qua hơn 10 năm thi hành, các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, trong 10 năm qua, nhịp độ tăng trưởng của hoạt động xuất bản được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 4,6 bản/người vào năm 2019 (tăng 1,35 lần so với năm 2012). Cho đến năm 2021, khoảng 40% nhà xuất bản (trừ một số nhà xuất bản chuyên ngành hẹp) đạt 200 đầu sách trở lên/năm, trong đó 13 nhà xuất bản đạt trên 1.000 đầu sách/năm. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng ngành vẫn xuất bản được gần 40.000 đầu sách, trên 462 triệu bản sách (chưa kể sách điện tử).

Chất lượng xuất bản phẩm có chuyển biến tích cực. Nội dung và thể loại xuất bản phẩm ngày càng phong phú, hấp dẫn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Các thành phần liên kết xuất bản đã phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như chủ động nắm bắt thị trường. Hiện nay, ngoài việc liên kết về in và phát hành, 55/57 nhà xuất bản thực hiện liên kết trong tổ chức bản thảo (chiếm 96%), trong đó 32/57 nhà xuất bản có tỷ lệ liên kết cao trên 70%, 20/57 nhà xuất bản liên kết 100%. Số lượng đơn vị liên kết tổ chức bản thảo cũng tăng từ khoảng 40 đơn vị năm 2013 đến nay đã có trên 200 đơn vị thường xuyên tham gia liên kết tổ chức bản thảo.

Về hoạt động phát hành, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và những tác động rất mạnh của các hình thức kinh doanh xuất bản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, internet, nhưng số lượng cơ sở phát hành xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản vẫn tăng. Tính đến tháng 10.2022, cả nước có 505 cơ sở phát hành được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 55 cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương cấp giấy phép hoạt động, chiếm hơn 10%, 13.500 điểm phát hành sách…

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, nhịp độ tăng trưởng của hoạt động xuất bản được duy trì bình quân khoảng 6-8%/năm

Nhiều chính sách ưu đãi chưa được thực thi

Tuy vậy, quá trình thực thi Luật Xuất bản 2022 cũng đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Theo đại diện NXB Trẻ, về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, Điều 7, Luật Xuất bản quy định xuất bản là ngành đặc thù, là nơi làm ra sản phẩm tinh thần cho xã hội. Tuy nhiên, doanh thu của ngành thấp, hiện chỉ ở mức trên dưới 3.000 tỷ đồng/năm, trong đó một tỷ lệ lớn tập trung vào một vài nhà xuất bản, số còn lại doanh thu thấp, thu nhập nhân viên không cao, sức cạnh tranh yếu và việc tích lũy để đầu tư cho phát triển hầu như không có. Vì vậy, đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực đặc thù này.

Khoản 2, Điều 7, Luật Xuất bản năm 2012 quy định: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản (điểm a); đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu (điểm b). Tuy nhiên, theo các đơn vị trong ngành, các nhà xuất bản nhận được rất ít sự hỗ trợ từ Nhà nước, cả về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đến ứng dụng công nghệ.

Khoản 3, Khoản 4, Điều 7 có quy định về ưu đãi về tiền thuê đất để làm nhà xưởng và lãi suất vay vốn cho lĩnh vực in, lĩnh vực phát hành, nhưng thực tế lĩnh vực xuất bản không được ưu đãi. Đại diện NXB Trẻ kiến nghị sửa đổi theo hướng lĩnh vực xuất bản cũng được ưu đãi về tiền thuê đất để làm nhà xưởng và lãi suất vay vốn…

Hội nghị có sự tham gia phát biểu của các đơn vị chủ quản nhà xuất bản, các Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị xuất bản, in và phát hành...

Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng nhận định, trong Luật Xuất bản 2012 có quy định một số chế độ, chính sách ưu đãi đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành nhưng phần lớn các chính sách ưu đãi đó không được thực thi do không đồng bộ với các luật khác.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trong tổng số 12 nội dung của Luật năm 2012 quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với 3 lĩnh vực trong hoạt động xuất bản (xuất bản, in và phát hành), sau 10 năm chúng ta chỉ thực hiện được rất ít với quy mô và hiệu quả cũng rất hạn chế. Vì thế cần nghiêm túc xem lại nguyên nhân, do chậm cụ thể hóa hay do tổ chức thực hiện? Do chính sách đưa vào Luật thiếu tính khả thi hay do thiếu sự đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan?... Tìm đúng nguyên nhân thì mới đề xuất được những chính sách thiết thực và khả thi.

Bên cạnh việc rà soát, đánh giá các chính sách của Nhà nước với hoạt động xuất bản trong Luật hiện hành, ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề xuất cần căn cứ vào tình hình thực tế và xu hướng hiện nay dể đề xuất những chính sách mới phù hợp, tạo đột phá trong hoạt động xuất bản trong giai đoạn tới…

Đánh giá cao các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để xử lý các vướng mắc đặt ra, có nhiều vấn đề: vừa kết hợp công tác quản lý nhà nước, quy trình làm luật, đồng thời mạnh dạn thay đổi cách làm. Ngoài yếu tố văn hóa, tư tưởng, hiện nay chúng ta quan tâm nhiều hơn tới yếu tố kinh tế và công nghệ trong ngành này, có nhiều công cụ kinh tế và công nghệ để thực hiện. Do đó, cùng với nghiên cứu sửa đổi Luật, việc quan trọng là đổi mới cách nhìn hệ sinh thái rộng hơn, để từ đó ghi nhận giá trị của xuất bản, đóng góp của các đơn vị và tìm cách làm mới để ngành phát triển.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-tuc1/nganh-xuat-ban-cho-chinh-sach-thiet-thuc-va-kha-thi-i309238/