Ngành Xuất bản góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia

Tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định ngành xuất bản đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày 12/7, Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm xuất bản cách mạng hơn 70 năm qua, đội ngũ những người làm xuất bản, in, phát hành đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Toàn ngành đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận. Từ năm 2017-2022, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu ngày càng tăng; số lượng xuất bản phẩm và số bản phát hành cũng như doanh thu, lợi nhuận của toàn ngành Xuất bản năm sau đạt cao hơn năm trước.

Có được kết quả này là do các nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, phát hành sách đã có bước chuyển biến tích cực, linh hoạt ứng phó với tình hình mới bằng việc tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong xuất bản, đẩy mạnh xúc tiến thị trường hoạt động thương mại điện tử; nội dung sách được lựa chọn kỹ lưỡng, thể loại, hình thức phong phú (sách in, sách điện tử, sách nói… sách tinh gọn); công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, đại hội lần thứ V Hội Xuất bản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xuất bản trong nước và thế giới đang có thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Xuất bản Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền xuất bản cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với xuất bản khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, Hội còn có nhiệm vụ quan trọng là lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội; tham gia phát triển văn hóa đọc, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở; kích thích tinh thần tự học, nỗ lực vươn lên và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV cùng tham luận của một số đại biểu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ: "vui mừng vì dự một sự kiện chính trị quan trọng của những người làm xuất bản trong cả nước".

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.

Nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề; chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao; đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình; tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...

Mảng sách có nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, khoa học công nghệ, tôn giáo, sách cho thiếu nhi, sinh viên thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được xuất bản, cung cấp đến bạn đọc cả nước. Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cơ bản đồng tình với báo cáo của Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV trình Đại hội lần này vì đã thể hiện tinh thần đổi mới, trí tuệ, dân chủ, đoàn kết và hội nhập, phát triển.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để Ban chấp hành nhiệm kỳ mới thực hiện:

Thứ nhất, ngành Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống...

Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Do đó, Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành Xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển.

Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hàng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông Sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà...

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản và vị thế mới của Hội Xuất bản hiện nay. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên...

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nganh-xuat-ban-gop-phan-tao-nen-suc-manh-mem-quoc-gia-2164512.html